Áp lực thi cử không giảm, siết học thêm khiến phụ huynh, học sinh càng thêm lo
Thời điểm này, các địa phương đã có những động thái mạnh mẽ trong việc siết dạy thêm, học thêm nhằm giảm tải áp lực cho học sinh theo Thông tư 29 (có hiệu lực từ ngày 14/2). Thực tế cho thấy, siết học thêm trong lúc áp lực thi cử vẫn tồn tại khiến phụ huynh, học sinh lo ngay ngáy.
![Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT nghiêm cấm việc dạy thêm trong trường học. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_338_51461401/a67d7c944cdaa584fccb.jpg)
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT nghiêm cấm việc dạy thêm trong trường học. Ảnh minh họa
Phụ huynh có con cuối cấp hoang mang
Có con học lớp 9, con đang trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập thì nhận được thông tin "Dừng hết các lớp học thêm" khiến chị Nguyễn Thủy (phố Núi Trúc, Q.Đống Đa, Hà Nội) "đứng ngồi không yên".
Chị Thủy cho biết, không phải mình chị mà phụ huynh cả lớp con chị đều hoang mang khi tiếp nhận thông tin. Bởi kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội vốn quá áp lực, căng thẳng khi tỷ lệ đỗ vào công lập những năm qua chỉ hơn 60%. Nếu không học thêm, không được thầy cô hỗ trợ, các con sẽ rất khó đạt được mục tiêu của mình.
"Mục tiêu của con tôi là đỗ vào trường THPT Việt Đức - trường THPT công lập top đầu của Hà Nội - nên điểm chuẩn rất cao. Con tự tin với môn Toán, tuy nhiên điểm môn Ngữ Văn, tiếng Anh lại không ổn định. Từ đầu năm đến giờ, tôi đã thuê gia sư dạy kèm con môn tiếng Anh. Với môn Ngữ Văn, ngoài học thêm cô giáo cùng cả lớp, con cùng 3 bạn nữa còn học riêng cô. Giờ nhận thông tin lớp học thêm ở trường, ở lớp chung, lớp riêng cô đều nghỉ, tôi đang không biết xoay sở thế nào!", chị Nguyễn Thủy lo lắng cho biết.
![Nhiều phụ huynh có con học lớp cuối cấp lo lắng khi các nhà trường dừng việc dạy thêm. Ảnh minh họa: T.H](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_338_51461401/9186756f4521ac7ff530.jpg)
Nhiều phụ huynh có con học lớp cuối cấp lo lắng khi các nhà trường dừng việc dạy thêm. Ảnh minh họa: T.H
Chị Nguyễn Thủy đã đầu tư rất nhiều cho con đi học thêm để có thể đạt được mục tiêu vào trường top đầu. Thế nên, trước việc nhà trường, giáo viên ngừng việc dạy thêm, chị Thủy chắc chắn phải tìm phương án khác cho con. "Có thể tôi sẽ tìm một gia sư giỏi để kèm cho con. Hoặc tôi sẽ tìm một trung tâm giáo dục để cho con học. Việc này cũng sẽ mất rất nhiều thời gian của phụ huynh vì không dễ dàng tìm được giáo viên dạy tốt ngay được. Áp lực thi cử vẫn rất lớn, vì không cho nhà trường, giáo viên dạy thêm thì gánh nặng càng đè lên vai phụ huynh, học sinh", chị Nguyễn Thủy chia sẻ.
Chênh lệch giỏi - kém ngày càng lớn
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện như gia đình chị Nguyễn Thủy để đầu tư mạnh cho việc học thêm của con. Đặc biệt, với những học sinh không học thêm ở trường, không có khả năng tự học, chất lượng giáo dục sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại.
![Nhiều giáo viên lo chất lượng giáo dục sẽ giảm nếu cấm dạy thêm trong nhà trường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_338_51461401/27c3cd2afd64143a4d75.jpg)
Nhiều giáo viên lo chất lượng giáo dục sẽ giảm nếu cấm dạy thêm trong nhà trường
Theo cô giáo Phạm Bích Nguyệt (trường THCS Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình), những tiết học chính khóa ở trên lớp chỉ đủ để giáo viên truyền đạt cho học sinh những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Những buổi học thêm ở nhà trường là thời gian mà thầy cô luyện thêm để học sinh có kỹ năng làm bài thành thạo hơn.
"Những học sinh có năng lực tốt có thể dễ dàng thích nghi với việc học trên lớp mà không cần học thêm. Nhưng với những học sinh trung bình hoặc yếu, việc thiếu đi sự hỗ trợ từ các lớp học thêm có thể khiến các em tụt lại phía sau, nhất là trong bối cảnh chương trình học vẫn nặng và yêu cầu cao. Điều đó khiến cho khoảng cách giữa giỏi - kém ngày càng lớn", cô Nguyệt cho biết.
"Để học sinh có thể học tốt mà không cần đến các lớp học thêm, vấn đề cốt lõi nằm ở việc dạy học trong giờ chính khóa. Như với môn Văn của tôi, nếu học sinh nắm vững kỹ năng làm bài thì gặp bất cứ đề bài gì, học sinh cũng biết cách làm.
Theo chương trình mới, học sinh không cần học thuộc nhiều như trước đây, chỉ cần hiểu rõ, nắm chắc kỹ năng làm bài thì học sinh không cần đi học thêm.
Một tiết học của chương trình mới gồm 4 mục: Khởi động, Hình thành kiến thức mới, Thực hành, Vận dụng. Giáo viên phân bổ thời gian hợp lý để dạy theo đúng quy trình này thì học sinh sẽ nắm bắt được những kiến thức mà chương trình giáo dục yêu cầu".
Cô giáo Đặng Thị Phượng (trường THCS Mỹ Hưng, Thành phố Nam Định)
Điều khiến cô Nguyệt cũng như nhiều giáo viên lo lắng là sẽ có sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn khi thực hiện việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học.
"Ở thành phố, các gia đình có điều kiện kinh tế hơn, họ sẽ thuê gia sư và tìm các trung tâm tốt cho con học. Với các gia đình nông thôn, nếu không học thêm ở trường thì nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con học thêm ở trung tâm bởi tiền học cao hơn nhiều so với tiền học thêm ở trường. Thực tế đó cho thấy nếu học sinh nông thôn không thực sự giỏi, không tự học tốt thì sẽ thua học sinh thành thị trong cuộc đua vào đại học", cô Nguyệt phân tích.
Siết dạy thêm trước mắt có thể giúp giảm áp lực thời gian và tài chính cho phụ huynh nhưng nếu áp lực học tập, thi cử không giảm thì phụ huynh, học sinh vẫn buộc phải quay trong "vòng xoáy" mất thời gian, tiền bạc tìm gia sư, tìm lớp học thêm. Điều này càng tạo sức ép lên những gia đình không có điều kiện.
Dạy thêm - học thêm chỉ có thể "giảm nhiệt" và được xử lý tận gốc khi chương trình học được giảm tải, học sinh không còn phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt "sứt đầu mẻ trán" kiếm một suất học trong các kỳ thi đầu cấp và đại học...
"Với môn Toán, một tiết học trên lớp chỉ đủ thời gian để giáo viên truyền tải cho học sinh những kiến thức cơ bản. Để các em có kỹ năng làm bài thành thạo, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách tự học bằng cách giao nhiều bài cho các em hơn, cung cấp tài liệu tham khảo và định hướng phương pháp ôn tập. Điều này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn hình thành thói quen học tập chủ động".
Cô giáo Phạm Mai Hoa (trường THCS Mỹ Phúc, Thành phố Nam Định)
* Còn tiếp