Khai thác hiệu quả lợi thế chiến lược phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN HOÀNG GIANG

(Báo Quảng Ngãi)- Việc hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi (mới) sẽ mở ra không gian rộng lớn và nhiều lợi thế để phát triển. Quảng Ngãi quyết tâm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh.

Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai, đánh dấu bước chuyển mới trong tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Ngãi (mới). Cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu trung ương giao, vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Có nhiều lợi thế nổi bật

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi (mới) sở hữu vị trí địa chiến lược quan trọng, kết nối Đông - Tây, Bắc - Nam. Tỉnh nằm ở điểm giao thoa giữa vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, có đường bờ biển dài 129km, đồng thời giáp biên giới với Lào và Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là một trong số ít địa phương trong cả nước vừa có biển, vừa có biên giới quốc tế, mở ra không gian phát triển rộng lớn, cho phép kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông - Tây, trải dài từ miền Trung Việt Nam đến Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra dự án cầu Trà Khúc 3 và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cũ). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra dự án cầu Trà Khúc 3 và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cũ). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Hệ thống giao thông đồng bộ, gồm các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 24, 24B, đường Trường Sơn Đông và tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum (dự kiến xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030), tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển logistics và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Sự kết hợp giữa thế mạnh vùng ven biển của Quảng Ngãi với vùng cao nguyên của Kon Tum mang lại sự đa dạng về tài nguyên và mô hình kinh tế cho tỉnh. Quảng Ngãi có nền tảng công nghiệp phát triển mạnh với KKT Dung Quất - trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, cảng biển nước sâu và hệ thống các KCN hiện đại. Trong khi đó, Kon Tum có thế mạnh về nông, lâm nghiệp, đặc biệt là vùng nguyên liệu dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, cùng với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, sự giao thoa văn hóa giữa đồng bằng duyên hải và vùng cao Tây Nguyên hình thành nên bản sắc văn hóa phong phú, là tiền đề để phát triển du lịch văn hóa - sinh thái - cộng đồng với những điểm nhấn nổi bật như đảo Lý Sơn, khu du lịch sinh thái Măng Đen, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi (mới) trở thành một trong những địa phương có quy mô lớn của cả nước, với diện tích trên 14.832km² (xếp thứ 5 toàn quốc), dân số hơn 2,16 triệu người và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) năm 2025 ước đạt gần 192 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 23/34 tỉnh, thành phố). Quy mô của tỉnh không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh nâng cao năng lực điều hành, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi (mới) sở hữu vị trí địa chiến lược độc đáo, kết nối Đông - Tây, Bắc - Nam. Đây là một trong số ít địa phương trong cả nước vừa có biển, vừa có biên giới quốc tế, mở ra không gian phát triển rộng lớn, cho phép kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông - Tây, trải dài từ miền Trung Việt Nam đến Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan".

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN HOÀNG GIANG

Trên nền tảng đó, việc tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả cũng là bước đi chiến lược để đồng bộ với quy mô mới. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã được giảm mạnh từ 273 xuống còn 96 đơn vị, cùng với việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giúp tinh giảm đầu mối, rút ngắn quy trình xử lý công việc, tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Với sự hợp nhất này, Quảng Ngãi không chỉ được mở rộng về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, mà còn được cộng hưởng về tiềm năng, nguồn lực và cơ hội phát triển. Tỉnh có điều kiện hình thành các vùng kinh tế động lực mới, kết nối liên hoàn giữa miền núi - đồng bằng - ven biển - biên giới, mở ra không gian phát triển đa chiều và thúc đẩy liên kết vùng chặt chẽ hơn. Đây sẽ là cơ hội để tỉnh bứt phá, phát triển toàn diện và bền vững trong giai đoạn tới.

Phát triển toàn diện kinh tế, xã hội

Để khai thác hiệu quả các lợi thế mới sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi (mới) đề ra những giải pháp tổng thể và có tính chiến lược nhằm tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các lĩnh vực.

Trước hết, ưu tiên hàng đầu là đầu tư vào hệ thống hạ tầng chiến lược và tăng cường kết nối liên vùng. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, nâng cấp Quốc lộ 24, phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất nhằm thúc đẩy liên kết vùng, phát triển logistics và mở rộng xuất khẩu. Các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Măng Đen, sân bay Lý Sơn và các tuyến cao tốc kết nối khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp tục được đầu tư để tăng cường tính kết nối nội vùng và quốc tế. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi, đê điều, lưới điện được nâng cấp đồng bộ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.

Quảng Ngãi sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. ẢNH: PV

Quảng Ngãi sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. ẢNH: PV

Trong lĩnh vực công nghiệp và thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đặt mục tiêu hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất, mở rộng không gian phát triển cho KKT, đồng thời tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện hữu. Tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng sạch, chế biến sâu sâm Ngọc Linh và các sản phẩm nông sản, hướng tới hình thành chuỗi giá trị liên kết liên tỉnh. Song song với đó, Quảng Ngãi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP để thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đối với nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng quy mô trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - với kế hoạch tăng diện tích từ 4.000ha lên 6.000ha, đồng thời đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo sinh kế bền vững cho khu vực miền núi. Các vùng chuyên canh quy mô lớn cho cây công nghiệp, rau, hoa và thủy sản cũng sẽ tiếp tục được quy hoạch và thu hút đầu tư.

Trên lĩnh vực dịch vụ, tỉnh chú trọng phát triển du lịch theo hướng liên vùng và chuyên biệt. Đặc khu Lý Sơn sẽ được định hướng trở thành trung tâm du lịch biển - đảo, Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp với khai thác các di sản văn hóa bản địa để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng các đô thị du lịch ven sông, ven biển như dọc sông Trà Khúc, sông Đăk Bla, biển Mỹ Khê và Sa Huỳnh để thu hút du khách và hình thành không gian đô thị - dịch vụ mới. Cùng với đó là các hoạt động bảo tồn, quảng bá lễ hội truyền thống, ẩm thực và di sản văn hóa phi vật thể nhằm gia tăng giá trị du lịch văn hóa và cộng đồng.

Đường Hồ Chí Minh qua TP.Kon Tum (cũ). Ảnh: ĐỨC THẮNG

Đường Hồ Chí Minh qua TP.Kon Tum (cũ). Ảnh: ĐỨC THẮNG

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực xã hội thiết yếu. Hệ thống y tế sẽ được củng cố, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động kỹ thuật có tay nghề cao và đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất, thương mại và xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh là hướng đi ưu tiên trong bối cảnh hiện đại hóa nền hành chính và kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Quốc lộ 24 qua Khu du lịch Măng Đen kết nối với trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Quảng Ngãi (mới). Ảnh: ĐỨC THẮNG

Quốc lộ 24 qua Khu du lịch Măng Đen kết nối với trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Quảng Ngãi (mới). Ảnh: ĐỨC THẮNG

Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ngãi tiếp tục xác định công nghiệp là động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh cũng đặt trọng tâm vào định hướng phát triển hài hòa, cân đối giữa các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các vấn đề xã hội, nhằm đảm bảo không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn bền vững và toàn diện. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, nhằm tạo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển và yêu cầu bảo vệ môi trường sống, nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới và nông thôn.

Những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách

Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tổ chức bộ máy hành chính sau khi hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Trong bối cảnh mới, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% trong năm 2025 theo chỉ tiêu Chính phủ giao và góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của cả nước theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như sau:

Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tỉnh sẽ tập trung ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Song song đó, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là tại các khu vực miền núi, biên giới, để thích ứng với mô hình tổ chức mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, xử lý nghiêm các hành vi trì trệ, thiếu trách nhiệm.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số và triển khai hiệu quả các trụ cột phát triển. Theo đó, tỉnh quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2025; tập trung vào các lĩnh vực có tính chiến lược nhằm bảo đảm tăng trưởng, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, các dự án từ vốn ngân sách trung ương và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường giải pháp thu ngân sách, bảo đảm chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, sản xuất và đời sống. Tăng năng suất lao động, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm 4 nghị quyết của Bộ Chính trị - được xem là "bộ tứ trụ cột" trong định hướng phát triển giai đoạn mới, gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các đề án, chương trình trọng điểm của tỉnh. Khẩn trương trình phê duyệt và triển khai hiệu quả các đề án lớn như: Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất; xây dựng Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo; khu du lịch sinh thái - văn hóa Măng Đen; nâng cấp cửa khẩu quốc tế Bờ Y thành trung tâm thương mại xuyên biên giới kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan. Chủ động xử lý các điểm nghẽn về thủ tục, cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thứ tư, hỗ trợ triển khai các dự án động lực, thu hút đầu tư và xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn như: Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP II Quảng Ngãi; Dự án thép chất lượng cao sản xuất ray đường sắt cao tốc tại KKT Dung Quất; các dự án đô thị, thương mại, dịch vụ của các nhà đầu tư lớn... Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng sạch, chế biến sâu sâm Ngọc Linh và các sản phẩm nông sản, hướng tới hình thành chuỗi giá trị liên kết liên tỉnh. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, tồn đọng hoặc tạm dừng thi công để tránh lãng phí nguồn lực và phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ năm, phát triển nông nghiệp hiện đại, dịch vụ và du lịch bền vững. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là cây dược liệu (sâm Ngọc Linh); phát triển thủy sản bền vững, hiện đại hóa tàu cá, nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Tiếp tục thúc đẩy phát triển dịch vụ và du lịch liên vùng - phát triển đặc khu Lý Sơn, khu du lịch Măng Đen, kết nối với các vùng biển, núi và di sản văn hóa bản địa.

Thứ sáu, tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động bảo vệ biên giới, biển đảo, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tiếp tục phát triển cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành trung tâm giao thương liên quốc gia, góp phần nâng cao vị thế tỉnh trong hội nhập và hợp tác quốc tế.

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/khai-thac-hieu-qua-loi-the-chien-luoc-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-54098.htm