Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

Là người dân vùng biển huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, tôi rất quan tâm chủ trương phát triển kinh tế biển của Ðảng và Nhà nước.

Là người dân vùng biển huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, tôi rất quan tâm chủ trương phát triển kinh tế biển của Ðảng và Nhà nước.

Theo đánh giá của Trung ương về 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020), nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên; tiềm năng, lợi thế của biển được phát huy. Các địa phương có biển đã phát triển năng động, chú trọng tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của các cảng biển, nhiều nơi đã kết hợp hiệu quả giữa du lịch với đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản…

Ðây là chủ trương có tác động tích cực đến đời sống người dân nhằm khai thác nguồn lợi vùng biển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy, hải sản. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được hình thành ở các vùng đầm, phá, nước lợ phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu cho địa phương cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhiều nơi việc khai thác diễn ra tự phát, tư duy sống nhờ biển nhưng chưa có ý thức về bảo tồn, phát triển tài nguyên biển. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Chưa có nhiều mô hình nuôi trồng áp dụng công nghệ cao, để bảo đảm an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường. Chất thải từ nuôi trồng, chế biến chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra môi trường dẫn đến môi trường biển, vùng ven biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu... Ðây thật sự là những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm để vừa khai thác, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm tính chủ động, bền vững.

Thực tế tại huyện Ðông Hải cho thấy, đây là địa phương được xác định trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu, do đó, lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản được cấp ủy, chính quyền phối hợp ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện. Ngư dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển đoàn tàu công suất lớn, ngư cụ hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, hoặc mở rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao… Từ trải nghiệm của bản thân khi phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tôi nhận thấy, cần nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, cũng như kiểm soát tốt nguồn thải, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường an toàn, tạo sinh kế, phúc lợi cho người dân từ biển. Các địa phương nên khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế biển như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển đi liền với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của khoa học trong chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản,… Có chính sách phù hợp, khuyến khích liên kết trong phát triển chuỗi sản xuất. Mỗi địa phương cần tìm đặc trưng vùng, có tính riêng biệt để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch từ biển hoặc liên kết giữa các địa phương để tạo thành chuỗi du lịch biển; tăng cường sự gắn kết, tạo thành chuỗi khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, địa phương và các vùng trong cả nước.

LÊ QUỐC KHÁNH

(xã Ðiền Hải, huyện Ðông Hải, Bạc Liêu)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-kinh-te-bien-623017/