Khai thác nước ngầm quá mức liệu có khiến diện tích đất liền thu hẹp lại ở ĐBSCL?
Tình trạng khai thác nước ngầm đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, việc khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất đất liên tục tại ĐBSCL.
Có ý kiến cho rằng, khai thác nước ngầm sẽ dẫn đến nguy cơ bị mất diện tích đất liền do ngập lụt và sạt lở đất đai. Theo nhận định của TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, điều này là hoàn toàn có cơ sở ở những vùng nằm sát mặt nước biển. Ví dụ sinh động nhất là nếu lấy diện tích tỉnh Cà Mau là 5.300 km2 thay vì 4.350 km2 thì tốc độ sụt lún là 1,56-2,3 cm/năm thay vì 1,9-2,8 cm/năm (theo phương pháp tính của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy).
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng khai thác nước ngầm được cảnh báo từ nhiều năm trước, việc khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước. Số liệu thống kê năm 2010 đã có hơn 2 triệu m3 nước được khai thác/ngày, thực tế con số có thể hơn 2 triệu m3 nước được khai thác ở ĐBSCL.
Tình trạng sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh: Báo Cần Thơ)
Nguyên nhân gây sụt lún là do khai thác quá mức nước dưới đất thường tập trung quanh các bãi giếng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100.000 giếng khoan, trung bình 20 giếng/km2, hút khoảng 370.000 m3/ngày. Sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt do hoạt động bơm nước mặt liên tục. Riêng tại tỉnh Cà Mau, vì bề mặt của hầu hết tỉnh chỉ cao hơn mực nước biển 1 m, nên sụt lún được xem là nguyên nhân dẫn đến mất đất liên tục, sự hư hại của rừng ngập mặn ven biển, sự xâm thực mạnh của nước biển vào hệ thống sông ngòi...
Trong khi đó, TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún nền rất lớn; trung bình trên toàn thành phố là 40 mm/năm, cá biệt có nơi đến 67 mm/năm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do hậu quả của việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức lâu nay. Điều này góp phần làm gia tăng ngập nước trong thành phố. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi các chất độc tồn tại trong nước giếng, nếu ở mức độ nhẹ có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng đường ruột, gây bệnh tiêu chảy, nếu tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư và thậm chí dẫn đến tử vong.
Khai thác nước ngầm quá mức cùng với tác động biến đổi khí hậu nước biển dâng và hoạt động địa chất tân kiến tạo đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến tình trạng sụt lún mặt đất ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.
Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ giảm và tình trạng khai thác cát sông là các nguyên nhân dẫn đến lún ròng ở ĐBSCL.
Tốc độ sụt lún cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối, cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất, kết hợp với cao trình thấp càng làm cho đồng bằng dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xả ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỉ 21.
Việc mất độ cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã gây gián đoạn lớn cho cuộc sống đô thị. Hiện nay ngập theo mùa đã làm ngập nửa thành phố mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp được tính là gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ gia đình (số liệu Ngân hàng Thế giới tính toán năm 2019).
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập ĐBSCL cho rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mực nước ngầm giảm nhanh, dẫn tới tình trạng sụt lún đất. Vì vậy, cần phải quản lý, khai thác nước ngầm có hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất.
Theo đó, sụt lún đang gấp 3-4 lần, có những điểm nóng về sụt lún đất đang gấp tới 10 lần so với nước biển dâng. Về lâu dài, tăng cường sử dụng nước mặt để thay thế sử dụng nước ngầm, muốn làm được điều này phải khôi phục được các sông ngòi, đưa nước vào ruộng đồng và hạn chế lúa vụ 3, chuyển hướng nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ giảm thâm canh, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu.
"Khai thác nước ngầm quá mức, mực nước ngầm giảm quá nhanh, dẫn tới sụt lún đất, chúng ta thấy nhu cầu rất rõ phải tiết giảm, quản lý khai thác nước ngầm. Trước mắt chúng ta thực hiện Nghị định 167 về quản lý nguồn nước ngầm, nhưng về lâu dài câu trả lời nằm ở định hướng Nghị quyết 120 là thuận thiên, trong đó việc cốt lõi là chuyển hướng nền nông nghiệp" - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết.