Khai thác, phát huy hiệu quả Phòng Hồ Chí Minh ở đơn vị cơ sở

Hội thi Phòng Hồ Chí Minh trong Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được triển khai từ cơ sở đến cấp Quân chủng.

Trên cơ sở quy chế hội thi, các đơn vị đã tổ chức đa dạng, linh hoạt các hoạt động Phòng Hồ Chí Minh sát điều kiện thực tế, qua đó phát huy hiệu quả một thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở.

Ngày hội văn hóa của bộ đội trong Phòng Hồ Chí Minh

Sôi động, vui nhộn là phần giao lưu văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361). Trong Phòng Hồ Chí Minh, tiếng nhạc, lời ca vang lên rộn ràng: "Cùng với những mũi tên cung, tên nỏ. Tên lửa ta thắng trận hôm nay. Tên lửa ta đánh rất hay...". Tiết mục sinh động hơn khi có sự giao lưu của sinh viên Trường Đại học Mỏ-Địa chất.

Sau tiết mục văn nghệ, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257)-người chỉ huy đơn vị bắn rơi tại chỗ 3 “pháo đài bay” B-52 của Mỹ (tháng 12-1972)-được mời kể chuyện truyền thống. Chương trình giao lưu khép lại trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Ánh lên trên từng gương mặt chiến sĩ là niềm vui xen lẫn tự hào. Đại úy Mã Văn Hào, Chính trị viên Tiểu đoàn 77 cho biết: “Để tạo tinh thần phấn khởi cho bộ đội, tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh tổ chức đa dạng các hoạt động, khai thác hiệu quả trang bị trong biên chế, phát huy khả năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”.

 Tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) giới thiệu các mô hình tuyên truyền trực quan trong hội thi.

Tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) giới thiệu các mô hình tuyên truyền trực quan trong hội thi.

Hào hứng, phấn khởi là cảm nhận chung của các chiến sĩ Tiểu đoàn 20 (Lữ đoàn 26) khi tham dự Hội thi Phòng Hồ Chí Minh. Xây dựng từ năm 2001, Phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 20 có diện tích 60m2, được trang trí nội thất theo đúng hướng dẫn của trên. Trong hội thi, Thượng úy Vi Văn Toàn, Chính trị viên phó Đại đội 11, Tiểu đoàn 20 thực hành giới thiệu bảng ảnh “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Để giúp bộ đội hiểu sâu, Thượng úy Vi Văn Toàn hỏi: “Qua nội dung giới thiệu, các đồng chí có cảm nhận gì?”. Một cánh tay giơ lên, Binh nhất Đặng Hữu Vinh, chiến sĩ Đại đội 11 trả lời: “Được nghe giới thiệu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thấy rất ý nghĩa. Hoạt động tuyên truyền trong Phòng Hồ Chí Minh đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi có hiểu biết để học tập và công tác tốt hơn”.

Trong Hội thi Phòng Hồ Chí Minh cấp Quân chủng, 15 Phòng Hồ Chí Minh được các đơn vị lựa chọn đại diện tham gia thi với 30 nội dung, gồm: 8 nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng; 7 hoạt động giáo dục truyền thống; 10 nội dung tuyên truyền sách, báo; 2 hoạt động văn nghệ quần chúng và 3 nội dung hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí... Nhiều hoạt động trong Phòng Hồ Chí Minh thực hiện có chất lượng, như ở các đơn vị: Tiểu đoàn 184 (Trung đoàn 213, Sư đoàn 363), Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới (Sư đoàn 371), Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361)...

Các đơn vị đã làm mới nội dung, hình thức phong phú. Điểm mới trong thi thực hành, nhiều đơn vị đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng, ý nghĩa. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giới thiệu sách, bảng ảnh được đầu tư công phu về kịch bản, diễn thuyết, hình ảnh, âm nhạc và các video minh họa. Nhiều đồng chí thể hiện tự tin, truyền cảm các nội dung hoạt động.

Đại tá Ngô Quốc Chung, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ, Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: "Qua nội dung dự thi cho thấy, các tổ, nhóm công tác đã có tìm tòi, sáng tạo phù hợp với điều kiện đơn vị và năng lực bản thân. Các đơn vị chuẩn bị kỹ kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất, xây dựng kịch bản, thành phần tham gia, nhất là phối hợp với đơn vị kết nghĩa dàn dựng chương trình hấp dẫn, tạo nên không khí sôi động như ngày hội văn hóa, cuốn hút bộ đội tham gia".

Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động

Hiện tại, toàn Quân chủng PK-KQ có 227 Phòng Hồ Chí Minh. Một số Phòng Hồ Chí Minh bị xuống cấp do xây dựng đã lâu, điều kiện doanh trại không thống nhất nên khó khăn trong công tác trang trí và tổ chức hoạt động. Có đơn vị phải cơ động công tác phân tán nên không có điều kiện tổ chức Phòng Hồ Chí Minh. Đại tá Hoàng Bá Phương, Chính ủy Lữ đoàn 28 cho biết: “Với đặc thù nhiệm vụ cơ động xây dựng công trình từ Bắc vào Nam, đơn vị vận dụng phòng sinh hoạt chung để tổ chức các hoạt động Phòng Hồ Chí Minh. Trong điều kiện như vậy, việc phát huy vai trò của tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh là rất quan trọng”.

Từ kết quả hội thi năm 2024 và khảo sát thực tế hoạt động thời gian qua có thể thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, còn một số đơn vị trong Quân chủng PK-KQ chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc sắp đặt trang trí nội thất và tổ chức hoạt động; hệ thống sổ sách thiếu đồng bộ; nhiều nội dung hoạt động chưa có sự sáng tạo, hình thức tổ chức đơn điệu. Một số đồng chí nghiên cứu chưa sâu về quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng Hồ Chí Minh nên khi triển khai còn lúng túng.

Bộ đội tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại Phòng Hồ Chí Minh Tiểu đoàn 1, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không - Không quân.

Bộ đội tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại Phòng Hồ Chí Minh Tiểu đoàn 1, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không - Không quân.

Thượng tá Phạm Minh Trường, Chủ nhiệm Nhà văn hóa (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân chủng PK-KQ) cho biết: “Các hoạt động Phòng Hồ Chí Minh đã được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đơn vị, đối tượng tham gia, đòi hỏi phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động phải sáng tạo. Chẳng hạn, có đơn vị đầu tư làm mới trong trang trí Phòng Hồ Chí Minh, tạo sự hấp dẫn đối với bộ đội, hay việc đưa các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể vào luyện tập với đơn vị kết nghĩa để góp phần gắn kết mối quan hệ quân dân”.

Phòng Hồ Chí Minh thực sự có “sức sống” khi các hoạt động được tổ chức linh hoạt, sinh động. Vì thế, hoạt động Phòng Hồ Chí Minh cần được nâng cao hơn nữa về chất lượng và thực chất hơn. Các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi và kiểm tra, đánh giá hiệu quả của từng đợt hoạt động. Đặc biệt, các hoạt động cần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, lồng ghép giữa giáo dục, tuyên truyền với vui chơi, giải trí.

Qua việc tổ chức Hội thi Phòng Hồ Chí Minh cấp Quân chủng năm 2024 có thể thấy, ở đâu Phòng Hồ Chí Minh được lãnh đạo, chỉ huy quan tâm, hướng dẫn hoạt động hiệu quả thì ở đó có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, cán bộ, chiến sĩ có nhận thức chính trị tốt hơn, đơn vị giữ vững ổn định.

“Từ vai trò hoạt động của Phòng Hồ Chí Minh đối với sinh hoạt của bộ đội, cần phát huy hiệu quả hơn nữa các hoạt động để thiết chế này thực sự trở thành một “trung tâm văn hóa”, một phương tiện giúp lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiến hành các hoạt động bổ trợ cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ thụ hưởng các giá trị văn hóa, được vui chơi, giải trí lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần xây dựng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ PK-KQ ưu tú”, Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng PK-KQ khẳng định.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khai-thac-phat-huy-hieu-qua-phong-ho-chi-minh-o-don-vi-co-so-782236