Khai thác sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa huyện Mỹ Đức

Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, được quy hoạch là 'vành đai xanh' của thành phố Hà Nội. Thời gian tới, nhằm xây dựng Mỹ Đức ngày càng giàu mạnh, văn minh, cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo và đầu tư, nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Mỹ Đức; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Huyện Mỹ Đức nằm phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km,. Đây là vùng đất cổ, vốn có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nhiều địa danh còn lưu dấu tích quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, Mỹ Đức được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng về du lịch với cảnh đẹp “hình sông, thế núi”. Các địa danh nổi bật như: hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai - với vẻ đẹp được ví như “tiểu Hạ Long trên cạn”, Hương Sơn - khu di tích danh thắng đẹp nhất trời Nam, với cảnh đẹp non nước hữu tình thơ mộng.

Trong những năm qua, Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức luôn quan tâm chú trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa trong quy hoạch tổng thể từng giai đoạn phát triển. Đến nay, đã có nhiều thay đổi tích cực, mang lại diện mạo mới cho quê hương, được nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ.

Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Phương)

Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Phương)

Theo tham luận gửi đến Hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa trên địa bàn huyện.

Trong đó, nổi bật là tăng cường công tác chỉ đạo về phát triển văn hóa; tăng cường chỉ đạo, quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân địa phương xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa, coi văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Lấy văn hóa, con người làm nền tảng, nguồn lực, động lực quan trọng phát triển bền vững.

Chú trọng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Mỹ Đức; đầu tư phát triển các kênh thông tin đại chúng và truyền thông mới; mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về văn hóa; chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của huyện trong thời kỳ phát triển mới.

Để khai thác, sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa cũng cần chú trọng xây dựng con người Mỹ Đức phát triển toàn diện. Trong đó, tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng văn hóa.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giá trị di tích văn hóa.

Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cũng cho rằng, đối với quy hoạch di sản văn hóa gắn với du lịch nên có sự tính toán, đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với định hướng chiến lược, có kế hoạch bảo vệ trước khi được khai thác. Để hoạt động du lịch khai thác các di sản văn hóa mang lại hiệu quả thì cần có sự gắn kết như: du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống, với các hoạt động chủ yếu như tổ chức thường niên các lễ hội, giới thiệu với du khách đến tham quan về truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương.

Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch, phương án tu bổ, tôn tạo đối với các di tích xuống cấp và phát huy giá trị di tích. Phát huy giá trị di tích, đặc biệt chú trọng quần thể di tích - danh thắng Quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương).

Xây dựng hồ sơ di vật, cổ vật, bảo vật; tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Rà soát các di tích chưa xếp hạng nhưng có đủ điều kiện theo quy định để xem xét xếp hạng cấp Thành phố. Đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cấp xếp hạng (xếp hạng cấp Quốc gia) đối với các di tích đủ điều kiện theo quy định như đình thôn Phùng Xá Hạ (xã Phùng Xá)...

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khai-thac-su-dung-hieu-qua-cac-gia-tri-nguon-luc-van-hoa-huyen-my-duc-155768.html