Khai thác, tận dụng giá trị của các dòng sông ở Thủ đô
Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, trong đó tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch Thủ đô bảo đảm môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị. Đây là cơ sở để khai thác và tận dụng các giá trị của dòng sông đã chảy dài cùng mạch nguồn của Thủ đô.

Hà Nội quy hoạch sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị. Ảnh: Quang Thái
Tạo sự linh hoạt, chủ động cho Hà Nội
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về: “Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số chính sách đặc thù, khác với các luật hiện hành.
Cụ thể, luật quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được triển khai những công trình dành cho không gian công cộng, mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
Nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội, Quốc hội tin tưởng trao UBND thành phố trách nhiệm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan.
Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này. Luật cũng phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và giao HĐND thành phố ban hành trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh.
Sống lại những dòng “sông chết”
Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đánh giá, việc chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố, thể hiện sự tin tưởng, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có.
Về vấn đề này, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, qua thống kê, trong Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều chính sách đặc thù về quy hoạch, đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn. “Ví dụ, trước đây khi chúng tôi còn làm ở Hà Nội, muốn điều chỉnh một quy hoạch được Thủ tướng duyệt phải qua tất cả bộ, ngành, rất vất vả, lần này, Quốc hội giao cho Hà Nội tự quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch nếu đủ căn cứ, đây là thuận lợi rất lớn về mặt cơ chế", Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nói.
Là người trực tiếp chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 cho biết, các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển đô thị hai bên sông, nhưng chúng ta chưa làm được. Lần này, chúng ta có Luật Thủ đô năm 2024, đây là bước tiến quan trọng về mặt thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý để giải quyết vấn đề này. Có thể nói, những đại đô thị ven sông sẽ trở thành xu hướng của thời đại mới, giúp phát huy những giá trị văn hóa, sinh thái và khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ. Đơn cử, đối với quy hoạch sông Hồng, trong Luật Thủ đô năm 2024 đã cho phép khai thác hai bên bờ sông Hồng để phát triển công nghiệp văn hóa, vẫn tuân thủ những yêu cầu về an toàn thoát lũ, nhưng chúng ta vẫn được phép xây dựng, khai thác những công trình thương mại, dịch vụ. Trong đó, cho phép phát triển phía Tây sông Hồng trở thành con đường di sản...
Đặc biệt, thông qua công tác quy hoạch lần này, sông Hồng có thể cung cấp nước cho các hệ thống sông trong nội đô (sông Tô Lịch, sông Sét...) sẽ giúp làm sạch và làm sống lại những dòng “sông chết” tại nội đô. Hà Nội cần nhanh chóng khai thác các giá trị của dòng sông với việc triển khai các dự án đầu tư phát triển bên cạnh việc bảo tồn dòng sông lịch sử và mạch nguồn này - một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay và Hà Nội của tương lai.