Khai thác tiềm năng du lịch để phát triển
Tỉnh An Giang có hệ thống biển đảo, đồi núi, rừng nguyên sinh, di sản, di tích… tuyệt đẹp, là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh khai thác du lịch (DL), thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tiềm năng du lịch biển đảo, sinh thái và tâm linh
An Giang (mới) có diện tích hơn 9.888km2, nằm về phía Tây Nam của Việt Nam. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái núi rừng, hệ động thực vật đa dạng, hệ thống biển đảo, di sản văn hóa phong phú… tạo tiềm năng lớn cho DL sinh thái, DL biển đảo, tâm linh, văn hóa, nông nghiệp phát triển.
Ngược về phía Bắc An Giang, du khách sẽ choáng ngợp bởi dãy Thất Sơn hùng vĩ, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và sự đa dạng của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, cùng nhiều điểm đến DL tâm linh đặc sắc. An Giang tạo ấn tượng với du khách bằng nhiều lễ hội đặc trưng: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, đua bò Bảy Núi, lễ Sen Dolta của người Khmer, Tháng Ramadan của người Chăm…
Trong đó, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2024. Đây cũng là di sản thứ 16 của Việt Nam và thứ 2 của Nam Bộ được UNESCO ghi danh. Với danh hiệu này, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam không chỉ đưa An Giang trở thành điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm, mà còn giúp tỉnh xây dựng thương hiệu DL văn hóa tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, An Giang còn có Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; năm 2022, UNESCO chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới.
An Giang phấn đấu đến năm 2026 sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới đối với di tích này. Theo các chuyên gia, Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là nguồn tài nguyên DL đầy tiềm năng, mang tính đặc trưng của địa phương… Riêng rừng tràm Trà Sư nổi tiếng với du khách gần xa về DL sinh thái rừng.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: MỸ LINH
Xuôi về phía Nam An Giang, du khách sẽ trải nghiệm DL biển đảo đầy sôi động. Với 5 quần đảo còn khá hoang sơ, trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc - nơi có bãi Khem (bãi Kem) nằm trong top 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh, cùng loạt công trình đẳng cấp quốc tế được đầu tư đã biến nơi đây trở thành “thiên đường DL” nổi tiếng thế giới. Trong khi đó, các đảo khác ở đặc khu Kiên Hải như Lại Sơn, Nam Du; quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải; Ba Hòn Đầm, xã Sơn Hải... mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình thích hợp cho các loại hình DL thiên về khám phá.
Hà Tiên thập cảnh cũng là điểm đến thú vị, đã đi vào thơ ca như Lộc Trĩ thôn cư, Tiêu Tự thần chung, Kim Dự lan đào, Thạch Động thôn vân... Hà Tiên còn nằm trong tuyến DL R10 nên rất thuận lợi phát triển DL đường bộ với Campuchia và Thái Lan. Riêng Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có giá trị lớn về nghiên cứu và DL…
Theo Sở DL An Giang, nhờ sự đa dạng và khai thác tốt các tiềm năng đã giúp tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025 tỉnh đón trên 14,2 triệu lượt khách, trong có gần 1 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ DL khoảng 37.407 tỷ đồng.
Tái cấu trúc du lịch, tạo chuỗi giá trị bền vững
Xác định rõ thế mạnh, tiềm năng DL tỉnh nhà, nên tỉnh luôn quan tâm đầu tư hạ tầng DL đồng bộ, tập trung phát triển các khu DL trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các sản phẩm, dịch vụ DL chất lượng cao…
Đặc biệt, với việc thay đổi địa giới hành chính sẽ giúp ngành DL tái cấu trúc toàn diện, nhất là về công tác quản lý tài nguyên DL, kết nối hạ tầng và tổ chức các tour tuyến đồng bộ… nhằm tạo ra chuỗi giá trị DL hấp dẫn và bền vững.
“Hiện, ngành đang rấp rút rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển DL trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng phương án quy hoạch phát triển DL tỉnh, đảm bảo kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và nhất là phát triển không gian DL trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới...” - Giám đốc Sở Du lịch An Giang Bùi Quốc Thái cho biết.
Ngoài ra, An Giang còn tập trung xây dựng sản phẩm, định vị thương hiệu DL gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, con người An Giang làm thế mạnh cạnh tranh với các thị trường DL; tăng cường liên kết và hợp tác phát triển DL tỉnh trong mối quan hệ liên vùng, liên khu vực cả trong và ngoài nước. Đồng thời, tập trung các nguồn lực tạo đột phá, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối và đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh DL; phát huy vai trò của cộng đồng trong xây dựng cộng đồng DL văn minh, thân thiện.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư DL, khuyến khích nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu phức hợp, dự án quy mô, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao; đón các đoàn famtrip, presstrip trong nước và quốc tế đến khảo sát, kết nối với DL An Giang. Đặc biệt, tỉnh tăng cường phối hợp các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá DL nhằm thúc đẩy kinh tế DL An Giang phát triển nhanh, bền vững…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khai-thac-tiem-nang-du-lich-de-phat-trien-a423467.html