Di tích thắng cảnh Phố Cát: Điểm đến tâm linh hấp dẫn

Di tích thắng cảnh Phố Cát, xã Vân Du từ lâu đã không chỉ nổi tiếng bởi không gian xanh, cổ kính mà còn bởi nơi đây được coi là trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh Tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Người dân chiêm bái tại đền Phố Cát.

Người dân chiêm bái tại đền Phố Cát.

Đến di tích thắng cảnh Phố Cát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, xanh mát với đầy đủ sông, suối, núi đồi đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Cảnh sắc đó đã được khắc họa trong một bài thơ Vịnh cảnh Phố Cát được lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay: Khách thập phương tới đền Phố Cát/ Ngắm non sông bát ngát một vùng/ Chín tầng thác dội trong lòng/ Cây reo trước miếu cá vùng kín khe/ Nhìn non nước bốn bề như vẽ/ Đều khen rằng cảnh Mẹ xinh thay.

Không chỉ vậy, nằm trong di tích thắng cảnh Phố Cát, đền Phố Cát linh thiêng là trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo sử sách ghi lại: Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng. Vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên bị đẩy xuống trần gian. Tuy nhiên, khi hết hạn trích giáng được Ngọc Hoàng cho gọi về trời thì lòng Tiên chúa lại vấn vương cuộc sống trần gian. Hiểu được nỗi lòng con gái, Ngọc Hoàng thượng đế cho phép nàng hiển thánh lần 3 xuống vùng Phố Cát, nơi có phong cảnh đẹp mỹ lệ, địa thế thuận lợi, non cao, nước biếc, sơn thủy hữu tình làm chốn hành thiện, giúp đời. Đây là lần giáng sinh nàng ở lại trần thế lâu nhất. Trải qua các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến nhà Nguyễn, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được ban nhiều sắc phong, tôn là “Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của muôn dân)... và là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh, dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), Nhân dân đã lập đền thờ bà ở lưng chừng núi, thoáng đãng, với thế đất đẹp, bao gồm các công trình độc lập từ thấp lên cao, gồm sân rồng với nghinh môn 8 mái, cung đệ tam, cung đệ nhị và cung đệ nhất. Mỗi cung có 3 gian thông, 2 gian 2 đầu cung nhị và cung tam làm đường liên cung lên xuống. Bên trong các cung là tượng và các đồ thờ bằng chất liệu rất quý.

Từ khi đền Phố Cát được lập nên, vua Khải Định trong lần hạ giá qua vùng đất này đã ghé thăm đền và đề thơ ngâm vịnh. Đầu thế kỷ XX, cạnh dòng suối phía trước đền, Tổng đốc Thanh Hóa đã cho xây dựng một tháp vọng ngư hình lục lăng để dành riêng cho vua Bảo Đại ngồi thưởng ngoạn cảnh vật. Sau đó, do biến động của lịch sử, đền không còn giữ được nguyên vẹn, chỉ còn lại nghi môn và tháp vọng. Trong khoảng các năm từ 1990 đến 1995, chính quyền địa phương và Nhân dân, nhà hảo tâm đã công đức tôn tạo lại khu đền thờ như ngày nay.

Nằm đối diện với đền Phố Cát là đền Quan Giám Sát thờ Quan lớn Đệ nhị Thượng Ngàn hay còn gọi là Quan Đệ nhị Giám Sát. Đền được trùng tu tôn tạo năm 1995 bằng nguồn công đức của Nhân dân và được xây dựng bằng bê tông cốt thép gồm các hạng mục như sân, đền chính, lầu Cô Bơ. Trước đền Phố Cát và đền quan giám sát có dòng suối nhỏ đổ về, nước trong veo, cây cối hai bên xanh mát quanh năm. Bên trên dòng suối có cây cầu đá hình vòng cung bắc ngang qua suối, trải qua thời gian cây cầu vẫn đứng vững, tôn thêm nét mềm mại, duyên dáng cho di tích.

Hàng năm, tại di tích thắng cảnh Phố Cát, chính quyền địa phương và Nhân dân đều tổ chức lễ hội đền Phố Cát diễn ra từ ngày 15/1 đến ngày 3/3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch với các hoạt động lễ bái, cầu cúng, thượng đồng và các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lễ hội đền Phố Cát dần bị mai một, chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của đền. Từ năm 2024, lễ hội đền Phố Cát được tổ chức quy mô và bài bản hơn, với nhiều nội dung đặc sắc như lễ rước bóng Thánh Mẫu, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian...

Việc khôi phục lại lễ hội đền Phố Cát thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của Nhân dân, du khách. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người nơi đây đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/di-tich-thang-canh-pho-cat-diem-den-nbsp-tam-linh-hap-dan-37966.htm