Khai thác tốt ưu đãi từ các FTA, thương mại Việt Nam-Nhật Bản 'cất cánh'

Bốn FTA song phương và đa phương mà Việt Nam và Nhật Bản tham gia đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm. (Nguồn: smartlinklogistics)

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm. (Nguồn: smartlinklogistics)

Thị trường xuất khẩu tiềm năng

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành trụ cột cho quan hệ song phương.

Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).

Nhật Bản cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc). Trong đó, xứ sở mặt trời mọc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ, Trung Quốc) đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD, năm 2023 đạt 44,95 tỷ USD.

Do đó, hai nước có rất nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, nhất là trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009; Hiệp định Đối tác Toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), đi vào thực thi từ 1/1/2022; FTA ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/8/2010 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018.

Những FTA này đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Theo đánh giá từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, các FTA song phương và đa phương mà Nhật Bản đã ký với Việt Nam đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.

Nhật Bản có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế với độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào.

Xét về cơ cấu hàng hóa, hai nền kinh tế có tính bổ sung cao, không cạnh tranh trực tiếp và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vài các loại, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Như vậy, nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam có thể mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho thị trường quốc gia Đông Bắc Á.

Tận dụng cơ hội

Nhận định về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới, các chuyên gia thương mại dự báo, việc hợp tác sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác những lợi thế, ưu đãi về thuế từ các FTA như CPTPP, RCEP…

Hơn nữa, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với lợi thế nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị-xã hội ổn định, trình độ nhân lực ngày càng cao.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản. (Nguồn: Công Thương)

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản. (Nguồn: Công Thương)

Theo VGP, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) nhận định, nhờ các FTA song phương và đa phương, hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản cơ bản đều được hưởng lợi thế cạnh tranh về thuế. Đơn cử, mặt hàng dệt may, hưởng thuế suất 0% khi xuất sang Nhật Bản nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ trong khi hàng hóa tương tự của Trung Quốc và Bangladesh chịu thuế từ 5 - 11%. Với nhóm hàng thủy sản, Việt Nam hưởng thuế suất 0%. Sản phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 6-12% khi xuất sang Nhật Bản.

Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM đánh giá, từ khi các FTA song phương và đa phương giữa hai nước có hiệu lực, Nhật Bản ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng và mặt hàng xuất khẩu đa dạng hơn.

Ngược lại, theo khảo sát của JETRO, do các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu thô, dẫn đến tỷ lệ tận dụng VJEPA của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam lên tới 52,1%.

Theo ông, Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khi thành công ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Ông Nobuyuki Matsumoto nhận định, cơ cấu công nghiệp hiện nay đã được định hình. Các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội các FTA mang lại bằng cách nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh.

Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM khuyến nghị, để phát huy hết sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, cần giúp doanh nghiệp hiểu rõ đặc điểm của từng FTA, tăng tỉ lệ tận dụng ưu đãi, quy định thủ tục (đặc biệt quy tắc xuất xứ và tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng).

Theo các chuyên gia, Nhật Bản là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, ổn định chất lượng sản phẩm là điều mà doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn rất yếu do quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ.

Xuất khẩu sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, lạm phát tại nước này rất thấp, mục tiêu hằng năm chỉ khoảng 2. Bởi vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý không tăng giá quá mạnh, tránh làm mất khả năng cạnh tranh.

Báo cáo khảo sát năm 2022 của JETRO cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở mới, mở thêm nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thông tin về tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2025 và tác động của FTA tới thương mại hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết: "Việc ký kết thành công FTA với nhiều nền tế lớn trên toàn cầu đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua".

Theo Bộ này, năm 2022, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, sang năm 2023, dù chịu ảnh hưởng của thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng xuất khẩu vẫn đạt gần 355 tỷ USD. 5 tháng đầu năm nay, xúat khẩu đang tiếp đà phục hồi, với mức tăng trưởng 15,2%, đạt 156,7 tỷ USD, tương ứng tăng thêm 20,72 tỷ USD.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - IPEF).

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

H.A

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-thac-tot-uu-dai-tu-cac-fta-thuong-mai-viet-nam-nhat-ban-cat-canh-276485.html