Khấm khá nhờ làm chè VietGAP

Hơn 60 hộ dân ở 2 xóm Lam Sơn và Bình Sơn (xã Cúc Đường, Võ Nhai) đã thành lập Làng nghề chè Lam - Bình Sơn. Nhờ cây chè, Làng nghề không còn hộ nghèo.

Từ lâu, chè trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân nhiều địa phương trong tỉnh. Sống trên đất chè, mà không giàu lên được nhờ cây chè thì cũng phải thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống. Xuất phát từ suy nghĩ đó, hơn 60 hộ dân ở 2 xóm Lam Sơn và Bình Sơn (xã Cúc Đường, Võ Nhai) đã thành lập Làng nghề chè Lam - Bình Sơn (Làng nghề). Nhờ cây chè, Làng nghề không còn hộ nghèo.

Anh Ma Xuân Diệp, Trưởng Làng nghề chè Lam - Bình Sơn, giới thiệu sản phẩm chè.

Anh Ma Xuân Diệp, Trưởng Làng nghề chè Lam - Bình Sơn, giới thiệu sản phẩm chè.

Khi mặt trời còn chưa ló rạng sau đỉnh núi, nhiều người dân Làng nghề đã rủ nhau đi hái mót lại lứa chè cuối cùng của vụ xuân, để chuẩn bị chăm sóc, bón phân, tưới nước để chuyển vụ mới. Làng nghề có tổng diện tích hơn 25ha chè đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên từ khâu chăm sóc, thu hái, sao sấy, bảo quản... phải đạt các tiêu chí đảm bảo an toàn. Nhờ đó, những năm gần đây, giá bán chè của Làng nghề từng bước tăng lên.

Anh Ma Xuân Diệp, Trưởng Làng nghề, cho biết: So với nhiều xóm trên địa bàn, Lam Sơn và Bình Sơn được thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều đồi bãi thấp, chân ruộng cao phù hợp với việc trồng chè. Những năm của thập niên 80, cả 2 xóm chỉ có khoảng 5-6 hộ trồng với vài sào, chủ yếu để phục vụ thức uống trong gia đình. Sau này, bà con thấy cây chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với ngô và lúa nên tăng dần diện tích. Được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên các hộ đều trồng các giống chè lai như F1, LDT1, Kim Tuyên... cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2022, chúng tôi quyết định thành lập Làng nghề chè để có điều kiện cùng nhau “nâng tầm” sản phẩm chè Lam Sơn - Bình Sơn.

Đúng như mong muốn của anh Diệp và những người trồng chè, nhờ được “nâng tầm” từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến... nên hiệu quả kinh tế từ cây chè cao hơn hẳn. Nếu như trước kia, giá chè ở nơi đây chỉ đạt trên dưới 100 nghìn đồng/kg búp khô thì nay đã đạt từ 140-200 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình từ hộ nghèo vươn lên có đời sống kinh tế khá như hộ bà Nguyễn Thị Khung có gần 2ha chè, ông Lý Quang Sáng có hơn 1ha chè...

Chưa bằng lòng với những kết quả bước đầu, Làng nghề chè tiếp tục tuyên truyền, vận động các thành viên chuyển 10ha sang sản xuất chè hữu cơ; sản xuất men lá và mỳ bún khô... nhằm đa dạng nguồn thu nhập cho các thành viên. Bà Nguyên Thị Khung cho biết: Tham gia Làng nghề là môi trường tốt để chúng tôi có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Hiện nay, sản phẩm chè của Làng nghề vẫn chưa được nhiều người biết tới. Vì thế, chúng tôi cần tiếp tục sản xuất chè sạch, đảm bảo chất lượng, quảng bá sản phẩm rộng rãi để từng bước xây dựng thương hiệu chè Lam - Bình Sơn.

Đầu tư đúng hướng cho cây trồng mũi nhọn, nên 100% số hộ thành viên của Làng nghề đều có mức sống từ trung bình trở lên; góp phần giảm số hộ nghèo của cả hai xóm Lam Sơn - Bình Sơn từ hơn 10 hộ (đầu năm 2023) xuống còn 6 hộ, không có hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người của người dân 2 xóm đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của xã là hơn 3 triệu đồng.

Nhờ có nguồn thu tương đối ổn định, các thành viên Làng nghề cũng như người dân hai xóm Lam Sơn - Bình Sơn đã tích cực đóng góp công sức, tiền của đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh ngày càng khang trang, như nhà văn hóa; 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, có đường điện thắp sáng...

Các hộ dân nơi đây đều sinh sống trong những ngôi nhà kiên cố, bán kiên cố, không có nhà dột nát. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, từng bước nâng cao.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202404/kham-kha-nho-lam-che-vietgap-eac21e6/