Khám phá con đường tơ lụa trong lịch sử

Các tuyến đường thương mại đông - tây giữa Hy Lạp và Trung Quốc bắt đầu mở trong thế kỷ I và II TCN. Đế chế La Mã và Đế quốc Kushan (cai trị lãnh thổ ở vùng mà ngày nay là miền bắc Ấn Độ) cũng được hưởng lợi từ thương mại được tạo ra bởi tuyến đường dọc theo Con sông tơ lụa.

Tuy nhiên, từ những góc độ khác nhau, nhìn theo quan điểm sử học của Trung Quốc thì, con đường tơ lụa được thành lập khi Nhà Hán ở Trung Quốc chính thức mở cửa giao thương với phương Tây vào năm 130 TCN. Đặc biệt phải kể đến phái đoàn Trương Khiên được cử đi làm công tác ngoại giao, liên kết các vùng lãnh thổ phía tây của Trung Quốc để tạo ra liên minh chống lại người Hung Nô.

Quay trở lại câu chuyện Con đường tơ lụa, điều thú vị là trong tiếng Hy Lạp cổ đại gọi Trung Quốc là “Seres”, nghĩa đen là “vùng đất tơ lụa”. Các nhà sử học hiện nay thích thuật ngữ “Con đường tơ lụa”. Tuy nhiên, ý nghĩa ở đây không phải là một con đường đơn lẻ, mà thực tế, nó là một mạng lưới giao thông, kết nối giữa những vùng mà các đoàn thương nhân cổ xưa đi qua. Thuật ngữ này đề cập đến một mạng lưới các tuyến đường được các thương nhân sử dụng trong hơn 1.500 năm, kể từ khi triều đại nhà Hán của Trung Quốc mở cửa giao thương vào năm 130 TCN cho đến năm 1453, khi Đế chế Ottoman đóng cửa thương mại với phương Tây.

Nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “con đường tơ lụa” vào năm 1877 để mô tả con đường hàng hóa được vận chuyển thuận tiện giữa châu Âu và Đông Á. Thuật ngữ này cũng đóng vai trò như một phép ẩn dụ cho việc trao đổi hàng hóa và ý tưởng giữa các nền văn hóa đa dạng.

Rất nhiều hàng hóa được vận chuyển dọc theo Con đường tơ lụa. Các thương gia đã mang lụa từ Trung Quốc đến châu Âu, nơi lụa được may mặc cho hoàng gia và những khách hàng giàu có. Các mặt hàng được yêu thích khác từ châu Á bao gồm ngọc bích và các loại đá quý khác, đồ sứ, trà và gia vị. Đổi lại, ngựa, đồ thủy tinh, hàng dệt và hàng hóa sản xuất sẽ di chuyển về phía đông.

Vịnh Ánh Trăng nằm trong quần thể hồ Kanas, thắng cảnh nổi tiếng Tân Cương. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Vịnh Ánh Trăng nằm trong quần thể hồ Kanas, thắng cảnh nổi tiếng Tân Cương. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Con đường tơ lụa kéo dài khoảng ~ 6.437 km, băng qua một số cảnh quan hùng vĩ nhất thế giới, bao gồm Sa mạc Gobi và Dãy núi Pamir. Mạng lưới giao thương này trải dài trên nhiều vùng lãnh thổ, chính vì thế, nó không có một nhà nước – chính phủ nào chính thức bảo hộ. Ở thời kỳ hưng thịnh, trên các tuyến đường thường xảy ra những sự việc tương đối khốc liệt. Nguyên nhân được bắt nguồn từ chính thiên nhiên và con người. Bão cát sa mạc, tuyết rơi, khan hiếm nguồn nước cũng như tình trạng an ninh cướp bóc xảy ra rất phổ biến. Để tự bảo vệ mình, các thương nhân đã cùng nhau thành lập các đoàn lữ hành với lạc đà hoặc các động vật sống theo bầy đàn khác.

Ngoài ra, các nhà truyền giáo, tăng nhân cũng đi theo các đoàn người thương nhân nhằm mục đích truyền giáo, hoặc họ được chính những thương nhân mời tham gia nhằm mục đích phục vụ tín ngưỡng, cầu nguyện bình an trên các nẻo đường. Dọc theo các vùng đất, tuyến đường mà các đoàn thương nhân đi qua, theo thời gian, các quán trọ lớn được gọi là caravansera mọc lên để làm chỗ ở cho các thương gia nghỉ ngơi.

Tiếp đến là các trú xứ tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Hiện còn lưu giữ rất nhiều di chỉ hang động trên khắp hành trình từ Tây An – Đôn Hoàng – Tân Cương – Pakistan – Afghanistan… Mỗi một hành trình, không hẳn là được kéo dài toàn tuyến, mà có thể chỉ là chia cắt chuyển giao hàng hóa ở từng trạm bởi yếu tố sức khỏe, ngôn ngữ, văn hóa…

Bắt nguồn từ những trạm nghỉ, điểm trung chuyển đã dần hình thành các thị trấn, thành phố giao thương sầm uất thời đó. Như Đôn Hoàng – Cam Túc, Trung Quốc, Kashgar – Nam Cương, Trung Quốc, Khiva, Bukhara (Uzebekstan)… là một ví dụ.

Du khách trải nghiệm cưỡi lạc đà ở Tân Cương, nơi từng là giao lộ quan trọng trên con đường tơ lụa huyền thoại. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Du khách trải nghiệm cưỡi lạc đà ở Tân Cương, nơi từng là giao lộ quan trọng trên con đường tơ lụa huyền thoại. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Một trong những lữ khách nổi tiếng nhất của Con đường tơ lụa là Marco Polo (1254 - 1324).

Sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có ở Venice, Ý, Marco đã cùng cha mình đi đến Trung Quốc khi ông mới 17 tuổi. Họ đã đi trong hơn ba năm mới tới được Bắc Kinh, vào năm 1275. Marco ở lại triều đình của Hốt Tất Liệt – nhà Nguyên và được cử đi làm nhiệm vụ ở những vùng châu Á mà người châu Âu chưa từng đặt chân đến.

Khi trở về, Marco Polo đã viết về những cuộc phiêu lưu của mình. Bản thảo gốc của Il milione được viết bằng tiếng Pháp cổ và được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia ở Paris, chỉ được xuất bản vào năm 1824 và được biết đến với một số tựa đề: “Sự đa dạng của thế giới”, “Cuốn sách của những điều kỳ diệu”.

Tác phẩm của Marco Polo là một trong những tác phẩm du ký vĩ đại nhất thời Trung cổ và là tác phẩm đầu tiên tiết lộ cho Tây Âu về thế giới bao la và huyền ảo của châu Á. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời của ông, cũng như trong những thế kỷ tiếp theo, các biến thể khác của bản thảo này đã xuất hiện, hầu hết bằng tiếng Ý. “Marco Polo: Từ Venice đến Thượng Đô” và “Marco Polo du hành về Phương Đông” là hai cuốn sách liên quan đến Marco Polo - vị lữ khách nổi tiếng nhất của Con đường tơ lụa được giới thiệu ở Việt Nam.

Nepal, quốc gia nằm trong lục địa vùng Himalaya ở Nam Á với nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESSCO công nhận. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Nepal, quốc gia nằm trong lục địa vùng Himalaya ở Nam Á với nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESSCO công nhận. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Nhà thờ Chính thống Ba Ngôi ở Kyrgyzstan. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Nhà thờ Chính thống Ba Ngôi ở Kyrgyzstan. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Kể từ sau khi thương mại hàng hải xuất hiện và thay thế, nhờ những tiện lợi và an toàn, con đường tơ lụa đường bộ này đã bị lãng quên và tưởng như đã mờ dần trong ký ức. Tuy nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên dọc tuyến đi các vùng khác biệt về địa mạo, cảnh sắc vẫn còn vang vọng cho tới ngày nay.

Chúng được nhắc tới không chỉ bởi các nhà nghiên cứu lịch sử mà phải kể đến công sức của những người làm du lịch. Họ đã mở tuyến để ghi nhớ và gợi lại ký ức, kết nối giá trị của quá khứ và hiện tại để rồi hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Quảng trường Registan ở Uzbekistan. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Quảng trường Registan ở Uzbekistan. Nguồn ảnh: Đạo Liên

Những điểm nổi bật nhất mà con đường tơ lụa mang lại giá trị cũng như cảm xúc cho mỗi lữ khách đặt chân tới bất chấp việc chúng đã được chia cắt thành các vùng lãnh thổ hành chính khác nhau, đó là:

- Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, trải lòng trước sự bao la của núi, sông, hồ, hòa mình trong vọng âm trầm hùng của quá khứ…

- Màu sắc văn hóa giao thương, phương thức thương mại nhỏ lẻ trong các khu chợ truyền thống hay khu thương mại phức hợp vẫn còn rất rõ ràng kéo dài suốt từ Tân Cương qua các vùng của Nam Á, Tây Á và Trung Á, kéo dài tới tận các nước Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập…

- Giao thoa về ngôn ngữ, có rất nhiều thuật ngữ, danh từ riêng được sử dụng chung cho toàn tuyến.

- Tôn giáo, và ở đây phải nói đến là Phật giáo và Hồi giáo là rõ nét nhất.

- Ẩm thực với một màu sắc kéo dài từ Tân Cương, qua Trung Á. Rất nhiều các món ăn tưởng chừng như là địa phương thì rất có thể quê hương, nguồn gốc của món ăn đó lại được mang tới từ những miền đất xa xôi khác. Trải qua thời gian và khéo léo điều chỉnh phù hợp với văn hóa, khẩu vị của vùng đất mới mà vô tình du khách không còn nhìn thấy sự logic tương quan với bản gốc.

- Nghệ thuật với những lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, âm nhạc…

Đạo Liên

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/kham-pha-con-duong-to-lua-trong-lich-su-d200298.html