Khám phá di tích Thành Đông

Cuốn sách là công trình sử học được nhóm biên soạn nghiên cứu tự nguyện, khoa học, trách nhiệm.

Cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa Thành phố Hải Dương” hiện được lưu trữ tại Thư viện tỉnh

Cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa Thành phố Hải Dương” hiện được lưu trữ tại Thư viện tỉnh

Được mệnh danh là “phên dậu phía đông” che chắn thành Thăng Long, Thành Đông xưa, TP Hải Dương nay đã trải qua nhiều biến động cùng những thăng trầm của đất nước. Từ nơi ban đầu không có người dân, chỉ có giới chức quan lại và quân lính, đến nay, TP Hải Dương đã trở thành đô thị loại I.

Quá trình “thương hải tang điền” ấy (biển xanh hóa nương dâu, chỉ những biến động lớn lao) ghi dấu bằng những di tích lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Những di tích này được giới thiệu tương đối đầy đủ trong cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa Thành phố Hải Dương”, phát hành năm 2018.

Cuốn sách là công trình sử học được nhóm biên soạn Phòng Văn hóa và Thông tin TP Hải Dương và ông Phạm Quý Mùi, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy, hội viên Hội Sử học tỉnh Hải Dương nghiên cứu tự nguyện, khoa học, trách nhiệm. Bằng tâm huyết và tấm lòng yêu thành phố quê hương, những cán bộ văn hóa đã thực hiện nhiều chuyến điền dã, nghiên cứu tư liệu lịch sử để mang đến những thông tin được sắp xếp khoa học, hợp lý, góp phần bảo tồn di tích.

Nội dung cuốn sách được chia thành 3 phần gồm những di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã được xếp hạng quốc gia; những di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và những di tích có giá trị cần quan tâm bảo tồn.

Mỗi di tích có nội dung và giá trị lịch sử khác nhau. Nhiều di tích nổi tiếng linh thiêng, lưu giữ hồn cốt văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của cha ông như khu di tích lịch sử, văn hóa đình - đền - chùa Bảo Sài; khu di tích đình, lăng, miếu thờ võ tướng Đinh Văn Tả, cụm di tích đình, đền Sượt; các đình Tự Đông, Khánh Hội, Xá… Cuốn sách cũng kể về những di tích cách mạng tiêu biểu, thể hiện lòng quả cảm của mảnh đất và con người Thành Đông như bia chiến thắng, đài liệt sĩ, nhà tù Hải Dương…

Những địa danh lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử trên đã được tập hợp tương đối đầy đủ, là nguồn tư liệu quý nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp người đọc hiểu biết sâu sắc về mảnh đất, con người Hải Dương.

Cuốn sách gần 200 trang, hiện được lưu trữ tại Thư viện tỉnh.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/kham-pha-di-tich-thanh-dong-215306