Khám phá dinh thự đặc biệt gắn với Cách mạng Tháng 8 ở Hà Nội

Nằm ở số 12 phố Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) không chỉ đặc sắc về kiến trúc mà còn là nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Chứng nhân lịch sử cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945

Bắc Bộ phủ có tiền thân là Dinh thống sứ Bắc Kỳ, được người Pháp xây dựng vào năm 1918 - 1919 để làm cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tòa nhà bề thế mang kiến trúc tân cổ điển này được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ do chính phủ Trần Trọng Kim kiểm soát.

Vào ngày 17/8/1945, khi khí thế cách mạng sục sôi ở Hà Nội, Ủy ban Quân sự cách mạng vạch ra kế hoạch khởi nghĩa, xác định Phủ Khâm sai là một trong những vị trí trọng yếu hàng đầu mà ta phải chiếm ngay sáng 19/8/1945 cùng với Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh, Ty Liêm phóng...

10 giờ sáng 19/8, tại cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn, hàng vạn quần chúng lắng nghe lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa. Như sóng triều dâng, quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã chia thành hai mũi lớn đi chiếm Phủ Khâm sai và Trại bảo an binh.

Toàn cảnh tòa nhà Bắc Bộ phủ.

Toàn cảnh tòa nhà Bắc Bộ phủ.

Tại Phủ Khâm sai, lực lượng cách mạng tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trung tâm đầu não của chế độ thuộc địa trong tiếng hoan hô vang dậy của nhân dân.

Thời khắc cáo chung của chế độ thực dân - phong kiến đã được bắt đầu từ chính Phủ Khâm sai. Sáng 20/8/1945, tại Vườn hoa Con cóc đối diện Phủ Khâm sai, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ ra mắt nhân dân trong niềm hân hoan khi được hưởng tự do, độc lập.

Chiếc cổng có vòm kính trước tòa nhà, một hình ảnh quen thuộc gắn với cuộc biểu tình ngày 19/8/1945.

Chiếc cổng có vòm kính trước tòa nhà, một hình ảnh quen thuộc gắn với cuộc biểu tình ngày 19/8/1945.

Sau khi Cách mạng Tháng 8thành công, Phủ Khâm sai mang tên mới là Bắc Bộ phủ. Từ sau lễ độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 48 Hàng Ngang chuyển về Bắc Bộ phủ ở và làm việc. Người ở đây đến tháng 11/1945 thì rời ra ngoại thành trước những yêu cầu của bối cảnh chính trị mới.

Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946, Bắc Bộ phủ tiếp tục chứng kiến những thời khắc lịch sử bi tráng. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất, ác liệt và kéo dài nhất trong ngày đầu kháng chiến, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân Thủ đô…

Một di sản kiến trúc quan trọng của Hà Nội

Thời điểm Dinh thống sứ Bắc Kỳ hình thành, người Pháp đang triển khai xây dựng hàng loạt khu phố mới cùng nhiều công trình văn hóa, dân sinh, quân sự... tại Hà Nội. Tòa dinh thự tọa lạc tại vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivìere (nay là phố Ngô Quyền) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch), mặt chính của công trình hướng ra vườn hoa Chavassieux mà người dân quen gọi là vườn hoa Con Cóc.

Năm khởi công - 1918 - được thể hiện trên họa tiết trang trí của tòa nhà.

Năm khởi công - 1918 - được thể hiện trên họa tiết trang trí của tòa nhà.

Tòa nhà mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu hài hòa cùng kiến trúc bản địa, được xây ba tầng (một tầng hầm và hai tầng lầu), có quy mô bề thế, thể hiện tầm quan trọng của một cơ quan hành chính cao cấp nhất xứ Bắc Kỳ. Nội thất các phòng được trang trí cầu kỳ, lộng lẫy theo kiểu cổ điển châu Âu nhưng đưa vào một số họa tiết kiểu Việt Nam.

Mặt chính công trình có cấu trúc đối xứng, được chia thành 3 phần. Khối trung tâm là cửa lớn hình cuốn vòm, có mái hiên hình cánh hoa bằng kính và kim loại. Phía trên là một khối mái lợp ngói đá đen, phần đỉnh được trang trí cầu kỳ, tạo sự đăng đối hoàn chỉnh. Mặt sau của tòa nhà có kiến trúc tương tự mặt chính nhưng các họa tiết trang trí đơn giản hơn. Nhìn chung, phong cách nghệ thuật kiến trúc của Dinh thống sứ Bắc Kỳ mang đậm tinh thần cổ điển Pháp đan xen với phong cách kiểu Phục hưng, Baroque và Art Nouveau.

Mặt sau tòa nhà.

Mặt sau tòa nhà.

Được xây dựng cùng thời với Văn phòng Dinh thống sứ (nay là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khách sạn Métropole (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội) cùng vườn hoa Chavassieux (nay là vườn Diên Hồng), Dinh thống sứ Bắc Kỳ/Bắc Bộ phủ tạo thành một quần thể có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và cảnh quan, đồng thời là một di sản đô thị quý giá của Thủ đô Hà Nội.

Sau khi chuyển thành Nhà khách Chính phủ, tòa nhà lịch sử này vẫn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô. Không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa, nơi đây còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội.

Nội thất tòa nhà.

Nội thất tòa nhà.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, Bắc Bộ phủ xây từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiện vẫn còn rất nhiều vết đạn trên ghim trên các thanh sắt trước khuôn viên tòa nhà. Đây là một dấu tích hết sức ấn tượng, còn lại của trận đánh ác liệt ngày 20/12/1946 giữa đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ Phủ và quân Pháp. Trận đánh này dài nhất trong những ngày đầu của chiến tranh Đông Dương, trở thành một biểu tượng của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Thăng Long - Hà Nội.

“Cùng với các biệt thự Pháp cổ, Bắc Bộ phủ là công trình vừa mang dấu ấn lịch sử, vừa mang tính nghệ thuật cần được giữ gìn, bảo tồn”, PGS.TS Hà Đình Đức cho hay.

TS.KTS. Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, Bắc Bộ phủ là di sản đô thị gần như nguyên vẹn của người Pháp để lại ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

TS.KTS Ngô Doãn Đức. Ảnh: Trần Hải.

TS.KTS Ngô Doãn Đức. Ảnh: Trần Hải.

Nó có độ lớn tương đối quy mô. Về nghệ thuật kiến trúc, công trình là biểu tượng cho kiến trúc một thời, tiêu biểu trong số các công trình công cộng xây dựng tại Hà Nội thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam.

“Bắc Bộ phủ là trí nhớ Hà Nội một thời. Nhìn vào đó là người ta biết kiến trúc thời Pháp. Nó đóng góp vào lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội 1.000 năm”, KTS Ngô Doãn Đức cho hay.

TS.KTS Ngô Doãn Đức cho biết, đặc trưng của công trình Bắc Bộ phủ là có trang trí đúng thời kỳ của kết cấu gạch đá gỗ thép. Trong đó, thép sử dụng tương đối đặc trưng, nổi bật ở mái sảnh mà ta quen gọi là cánh chuồn. Bộ mặt trang trí chi tiết theo lối cổ điển châu Âu rất đẹp.

Việc giữ lại những công trình như Bắc Bộ phủ cùng với những công trình kiến trúc thời thuộc địa Pháp có ý nghĩa rất lớn. “Dấu ấn của lịch sử hiện diện từ phù điêu đắp, từ cửa sổ, chấn song… Giữ lại để con cháu sau này hiểu được lịch sử của Hà Nội, nó là trí nhớ của đô thị. Đây cũng có thể trở thành tiềm năng khai thác du lịch rất tốt”, ông Đức nói.

Từ năm 2020, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Hà Nội đã tổ chức chương trình tour khám phá kiến trúc Đông Dương, giúp du khách tìm hiểu các di sản thời Pháp thuộc, trong đó có Nhà khách Chính phủ. Anh Nguyễn Trung Hiếu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh rất xúc động khi được tham quan các di sản gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội. Những công trình này đã giúp anh hiểu thêm về lịch sử hào hùng của cha ông và thêm tình yêu tha thiết với Hà Nội.

Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị của Bắc Bộ phủ này gắn với du lịch là điều cần thiết, để tòa nhà có tuổi đời hơn một thế kỷ này trở thành dấu ấn khó quên trong lòng người dân và du khách.

Mời quý độc giả xem video: Những tượng đá gây tranh cãi trong di tích lịch sử quốc gia | VTV24.

Thanh Bình - Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kham-pha-dinh-thu-dac-biet-gan-voi-cach-mang-thang-8-o-ha-noi-1889071.html