Khám phá những âm thanh 'độc nhất vô nhị' tại Việt Nam
Không cần người sử dụng hay chơi nhạc cụ, bất cứ vật chất nào cũng có thể phát ra âm thanh. Các nhạc cụ sẽ cảm ứng sự tương tác giữa con người với hệ thống và tạo ra âm thanh tương ứng.
Được mệnh danh là xứ sở của những âm điệu, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng số hơn 40 điểm đến. Nhà triển lãm âm thanh (Bảo tàng âm thanh) là một trong những điểm đến thú vị trong số này.

Du khách có thể lắng nghe những âm thanh đặc biệt từ những nhạc cụ độc đáo. (Trong ảnh là âm thanh của đá, được tạo nên bằng cách ma sát nhẹ vào bề mặt của vật chất)
Nhà triển lãm âm thanh được xây dựng và hoàn thành vào đầu tháng 7/2019, chính thức mở cửa đón khách thăm quan từ tháng 8/2019.
Khi đến đây, du khách có thể lắng nghe những âm thanh đặc biệt từ những nhạc cụ độc đáo, truyền thống và cả sự sáng tạo của công nghệ.
Tổng thể của khu trưng bày được thiết kế thành 8 phòng riêng biệt với 7 chủ đề gồm: âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của con người. Các phòng được lấy cảm hứng từ ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với sự tương quan lẫn nhau.

Không cần chơi nhạc cụ, du khách chỉ cầm chạm nhẹ vào vật thể để tạo ra âm thanh riêng biệt
Nhà triển lãm âm thanh hiện trưng bày nhiều nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào bản địa như M’buốt, Đinh năm, Đinh puôt, M’ló… Đặc biệt, tại đây trưng bày bộ đàn đá có tên Goong Lú (cồng đá) có niên đại khoảng 3.000 năm.
Bộ đàn đá gồm có ba thanh là Tru, Trơ và Tê (mẹ, cha và con), được tìm thấy ở suối Đắk Kar, xã Quảng Tín, tỉnh Lâm Đồng (trước đây thuộc huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Tiếng đàn đá lúc như âm vang trầm hùng của núi rừng, lúc lại thánh thót như tiếng suối chảy.
Bên cạnh những dụng cụ truyền thống, Nhà triển lãm âm thanh còn những âm thanh khác lạ do những nghệ sĩ quốc tế sáng tạo, dành riêng cho Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ âm thanh của tự nhiên, được thể hiện bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại.

Những bông hoa sẽ phát ra âm thanh khi tiếp nhận ánh sáng từ màn hình điện thoại
Một điểm nhấn thú vị như cây đàn không dây Theremin do nhạc sĩ người Nga phát minh năm 1905. Với cây đàn này, người chơi chỉ cần di chuyển tay trong không khí để tạo ra âm thanh như những bản nhạc huyền bí.
Hay như nhạc cụ mô phỏng khu rừng thiêng của người M’nông, chỉ cần ánh sáng màn hình điện thoại đặt trước những bông hoa trên các cành cây thì âm thanh của rừng thiêng lập tức vang lên. Mỗi bông hoa sẽ cho âm thanh khác nhau, từ tiếng kêu rỉ rả như tiếng côn trùng đến những âm thanh rõ ràng hơn.
Chị Vũ Thị Hương, du khách tới từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ sự bất ngờ: "Tôi rất ấn tượng với những tác phẩm nghệ thuật và âm thanh đặc biệt ở đây. Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một triển lãm âm thanh như thế. Tại đây, tôi được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được âm thanh qua tiếng đá, ngọn lửa, nước, đặc biệt cảm nhận được năng lượng của mình qua các tác phẩm nghệ thuật".

Nhà Triển lãm Âm thanh thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á
Đến thời điểm hiện nay, Nhà Triển lãm Âm thanh thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà triển lãm âm thanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều các sở, ngành.
Đặc biệt, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rất nhiều hoạt động, đồng thời hàng năm còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nơi đây cũng trở thành địa điểm học tập, nghiên cứu của nhiều học sinh trên địa bàn.