Khám phá thượng nguồn Ayun

Chúng tôi không vượt đèo Chư Sê, tức là không xuôi về thung lũng Ayun Pa thuộc vùng tưới của thủy lợi Ayun Hạ mà xuyên rừng để khám phá phần thượng nguồn sông Ayun. Thời tiết đầu mùa khô, trong sắc vàng của nắng ấm, dã quỳ bung nở miên man cùng gió ngàn rong ruổi bên triền thung lũng phía Đông Nam đỉnh Chư HDrung với đám cỏ đuôi chồn rộn ràng chào đón mùa hội mới của cao nguyên.

Trên lòng hồ Ayun Hạ. Ảnh: HÙNG HOA LƯ

Trên lòng hồ Ayun Hạ. Ảnh: HÙNG HOA LƯ

Con đường từ làng Kte 1 (xã Hbông, huyện Chư Sê) cắt ngang quốc lộ 25 chạy về phía Đông như một sợi chỉ ngoằn ngoèo đầy đá núi và cát vàng, dường như chỉ dành cho người đi bộ. Chúng tôi phải nhờ cư dân bản địa với loại xe máy “đặc chủng” để vượt cung đường xuyên rừng đầy gian nan này. Đèo Kte tuy không cao lắm, dài cũng chỉ gần 2 km nhưng khá nguy hiểm với những ai đi xe máy vì lởm chởm đá con đá, mẹ trải thảm cả cung đường lao dốc về hướng Đông. Trên vách núi dựng đứng, qua mùa mưa xói mòn tạo thành những hang hốc để lại bao hình hài bằng đất trông như nhũ thạch trong các hang động đá vôi thật đẹp mắt và hấp dẫn. Càng đi sâu về phía thung lũng đầu nguồn sông Ayun càng xuất hiện nền đất bồi pha cát nên bị xói lở nhiều trong mùa mưa; hai bên là rừng khộp thưa thớt cùng với rẫy mì, bắp của đồng bào địa phương. Trên cung đường về phía vùng lòng hồ, làng mạc dường như vắng bóng, chỉ có một ngôi làng Jrai mới về đây, gọi là làng “7 hộ” với 7 gia đình tách hộ ngụ cư. Sở dĩ ít người chọn về vùng đất thấp này để sinh sống, có lẽ ngoài việc đất đai kém phì nhiêu thì hạ tầng phục vụ dân sinh hầu như chưa có gì, việc đi lại khá vất vả, nhất là vào mùa mưa. Từ ngày chặn dòng Ayun thì đây là con đường bộ duy nhất từ xã Hbông đi xuống vùng đầu nguồn. Đồng thời, trong cư dân địa phương lại xuất hiện một nghề mới-nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tuy quy mô nhỏ, đa phần ngư dân chỉ với chiếc thuyền câu cùng đôi ba tay lưới nhưng nhiều người đã thích nghi với nghề sông nước và có mức thu nhập ổn định, cuộc sống đôi phần đổi thay.

Toàn vùng lòng hồ rộng trên 37 km2, chạy dài trên 25 km với nhiều đảo nhỏ nhưng chỉ có khoảng 3 bến thuyền, là đầu mối thu mua cá đánh bắt từ vùng nước ngọt này. Nơi đầu nguồn Hbông, có người gọi “Suối bộ đội” là một bến thuyền lớn với hàng chục chiếc thuyền đánh bắt thủy sản của nhiều người. Hôm chúng tôi đến thăm bến thuyền Hbông thì nơi “hoang đảo” này chỉ còn lại gia đình anh Nông (dân Quảng Bình) cùng 6 người đang hành nghề đánh bắt thủy sản với đầy đủ thuyền bè, ngư cụ. Vợ chồng anh cho biết, 3 năm hợp đồng đánh bắt cá trên lòng hồ này đã cho họ nhiều trải nghiệm thực tế và có cuộc sống tạm ổn. Nơi đây, vùng khí hậu ôn hòa, con người được thiên nhiên che chở nên ít khi ốm đau.

Ruộng bậc thang Chư Sê nhìn từ trên cao. Ảnh: HÙNG HOA LƯ

Ruộng bậc thang Chư Sê nhìn từ trên cao. Ảnh: HÙNG HOA LƯ

So với bến thuyền nơi chân đập Ayun Hạ mà chúng tôi có chuyến du ngoạn trước đây thì vẻ hoang sơ nơi đầu nguồn, cách nhau hàng chục cây số, có nhiều điểm khám phá hấp dẫn hơn và phong cảnh khá hữu tình. Chiều dần buông, chúng tôi lướt thuyền về bên kia núi Vú phía Đông. Mùa này, gió Nam thổi mạnh, hồ nổi sóng như bể khơi, thi thoảng nổi lên trên mặt nước đôi cành cây khô như cánh tay của thủy thần, bên triền núi nhấp nhô đôi cánh cò bay lượn tạo nên bức tranh thủy mặc đầy thú vị. Giữa lòng hồ mênh mông phía thượng nguồn sông Ayun, chúng tôi có thể quan sát được toàn cảnh thiên nhiên kỳ thú. Những rặng núi bao quanh lòng hồ như bờ đê tự nhiên khổng lồ dựng lên thành vách ngăn vững chãi. Đó là dãy Chư A Thai, nơi xứ sở huyền thoại của Pơtao Apui được thiên nhiên dày công tạo nên hình dáng lạ, không giống với bất cứ một quần sơn nào ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Sự kiến tạo địa chất ấy đã hình thành một thung lũng bằng phẳng rộng lớn xuôi về nam, như một đồng bằng trên cao nguyên và giờ đây là vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên được nuôi dưỡng bởi nguồn nước và phù sa của sông Ayun và sông Ba.

Đi cùng chúng tôi có nhà thơ An Sinh, sống ở thị trấn Chư Sê, cũng là kỹ thuật viên quy hoạch trước đây. Sau ngày thống nhất đất nước, anh là người đầu tiên cùng đội kỹ thuật thủy lợi ở địa phương được phân công đi khảo sát vùng đầu nguồn sông Ayun để lập bản đồ quy hoạch cho công trình đại thủy nông Ayun Hạ hôm nay. Anh tâm sự, đứng giữa hồ nước mênh mông, anh không còn hình dung được con đường xuyên sơn mà cách đây hơn 40 năm, đoàn khảo sát đã lặn lội cả tuần lễ từ đầu nguồn đến chân đập bây giờ nằm ở vị trí nào. Kỳ công dời non lấp bể của con người đã tạo nên vùng sơn thủy hữu tình, đem lại nhiều nguồn lợi cho nhân dân địa phương khiến họ đổi đời như có phép màu nhiệm. Chỉ tay về phía Đông lòng hồ, anh An Sinh nói thầm: “Tôi không phải nhà phong thủy, nhưng anh nhìn xem, ở đây có núi Vú bên cạnh là núi “Yoni”, như vậy thì thịnh âm; còn phía Tây, dãy Chư A Thai như tấm lưng trần người con trai Jrai khỏe mạnh, tức là thịnh dương. Âm dương hài hòa là vùng đất thịnh vượng trong tương lai; giờ chỉ chờ đợi yếu tố “nhân hòa” nữa thì sẽ giàu lên trông thấy!”.

Có lẽ, những nhà lãnh đạo địa phương không ai không nghĩ đến nguồn lợi mới đầy thực tế đang chờ đón, đó là phát triển du lịch vùng lòng hồ Ayun Hạ, tour quan trọng trong hành trình khám phá Tây Nguyên của du khách thập phương. Điều cản ngăn bước chân của những người yêu thiên nhiên về với vùng sơn thủy này trước hết là hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông đi lại. Trong chiến lược đầu tư và phát triển ngành du lịch trên địa bàn sắp đến, chúng tôi tin rằng, những người có trách nhiệm sẽ không bỏ qua một danh thắng đầy tiềm năng như vùng Ayun Hạ…

Lúc chia tay, những ngư dân trên “hoang đảo” đầu nguồn sông Ayun đem ra nào là cá thác lác, cá bống, tôm nước ngọt còn tươi roi rói, con nào cũng to lớn như “cá ma” mà nhiều người đồn thổi, mới bắt từ lòng hồ lên, cố mời chúng tôi nán lại để cùng thưởng thức món đặc sản chỉ hồ trên núi mới có. Cảm ơn lòng tốt của ngư dân “xứ hồ”! Nhìn mặt trời sắp khuất sau rặng Chư A Thai, chúng tôi vội lên xe “đặc chủng” rời bến thuyền trong buổi chiều đầy lưu luyến.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8210/202001/kham-pha-thuong-nguon-ayun-5667002/