Khám phá vùng đất 'Tam giang tứ trụ' - Bài 2

Bài 2: Hành trình 'Khám phá tam giang'

Thành Mục Mạ xưa - trung tâm tỉnh lỵ hiện nay là nơi hấp dẫn khách phương xa. Nét đẹp sơn thủy hữu tình của Thành phố vùng biên này đã được Lão thành cách mạng An Định khắc họa thành thơ: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von”. Phải chăng từ cảnh quan ba mặt bốn bề sông nước mênh mang, tấp nập trên bến dưới thuyền đêm ngày in bóng núi xuống lòng sông mà có tên gọi “Non nước Cao Bằng”, để cho du khách khắp nơi rộn ràng “Trảy nước non Cao Bằng”.

Cổ nhân cho rằng, thành Mục Mã xưa là đất đắc địa, hội tụ 3 dòng sông đổ về: sông Bằng, sông Hiến và sông Cổn. Cùng với 3 dòng sông bao bọc, có 4 ngọn núi chầu quanh, núi Kỳ Sầm phía Bắc, núi Kim Pha phía Đông, núi Luân Sơn phía Nam, núi Khấu Sơn phía Tây. Thành Mục Mã là bán đảo như hình con cá bơi ngược dòng, bởi 3 dòng sông bao bọc và 4 núi chầu quanh, gọi là đất địa linh “Tam giang tứ trụ”, phong cảnh ngoạn mục, sơn thủy hữu tình.

Để khám phá vùng đất “Tam giang tứ trụ”, cũng trong thời gian 2 giờ, tour du lịch trải nghiệm “Khám phá tam giang” với lộ trình từ điểm đón du khách - Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám - Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh - Di tích Quốc gia Kỳ Sầm - Chợ ẩm thực - Phố đi bộ Kim Đồng sẽ giúp du khách khám phá trọn vẹn Thành phố “tam giang”.

Từ điểm đón du khách, điểm đầu tiên trong hành trình “Khám phá tam giang” là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài khánh thành ngày 28/1/2000, là một công trình văn hóa nghệ thuật quốc gia, tượng được làm bằng chất liệu đá khối lớn, tượng đơn, cao 9 m, nặng hơn 10 tấn. Ngày 28/1/1941 Bác Hồ trở về Tổ quốc qua mốc 108, tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân thắng lợi. Để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn to lớn của Người, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 1994, tỉnh đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép xây dựng tượng đài Người ở Cao Bằng. Đây là công trình tượng đài đẹp, bề thế, đạt chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng cao. Tượng đài được đặt ngay trung tâm Thành phố, khuôn viên là thảm cây xanh đẹp có thềm lát đá. Thế đứng của tượng về hướng Nam. Bác Hồ đứng đó uy nghi nhưng xiết bao gần gũi trong bộ quần áo dân tộc Nùng, gương mặt Bác sáng ngời với vầng trán mênh mông và đôi mắt tinh anh phóng tầm xa nhìn bao quát cả non sông, đất nước; thần của tượng toát lên ý chí sắt đá quyết tâm giành độc lập dân tộc. Bệ tượng được mô phỏng cách điệu hóa núi Các Mác, suối Lê-nin, có “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” và máy chữ người sử dụng ở Pác Bó.

Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình là Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám. Hoàng Đình Giong là người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước và ghét thực dân, đế quốc. Với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ cách mạng, đồng chí tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng. Đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được giác ngộ cách mạng, đặc biệt là người trực tiếp gây dựng nên Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, đất nước. Khu lưu niệm nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, phía trước sân là tượng đài chất liệu đồng đúc; phía sau tượng đài là nhà trưng bày hiện vật phục chế, tranh vẽ, ảnh sưu tầm; bao quanh khuôn viên là cây xanh bóng mát. Đây vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, vừa là công trình văn hóa thân thiện, cảnh quan kiến trúc đẹp, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh và cả nước đến thăm viếng, tham quan, học tập; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tại khu lưu niệm, du khách dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong; tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí, tham quan và chụp ảnh lưu niệm.

Tiếp theo, trong hành trình, du khách tham quan quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh. Công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh gồm có kiến trúc cảnh quan, cây xanh, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, thoát nước, sân khấu ngoài trời, là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa,... quan trọng của tỉnh. Công trình với phong cách kiến trúc hiện đại, hệ thống mái vòm rộng, xung quanh các mặt tường là hệ thống treo chống nắng có thể thay đổi theo hướng. Công trình sử dụng các vật liệu mới, hiện đại..., là điểm nhấn của cả khu đô thị mới, trung tâm của khu vực phường Đề Thám.

Trong trải nghiệm “Khám phá tam giang”, du khách sẽ được tham quan Di tích Quốc gia Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang. Đền được xây dựng trên một khuôn viên rộng, kiến trúc hình chữ “Nhị”, mang dáng dấp phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn, có nhà bái đường và hậu cung. Tại nhà bái đường có một ban thờ. Phía trong hậu cung có ba ban thờ, chính giữa thờ Nùng Trí Cao, bên trái thờ mẹ A Nùng, bên phải thờ ba người vợ: Vương Lan Anh, Đoạn Hồng Ngọc và Trần Thị Cầm (nàng Cầm). Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng hằng năm, gồm phần lễ và phần hội với quy mô khá lớn. Phần nghi thức lễ được tiến hành từ đêm mùng 9 tháng Giêng, phần hội mang đậm nét văn hóa truyền thống với các trò chơi: đẩy gậy, kéo co, chơi đu, tung còn và các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân ca phong phú, sinh động, đặc sắc. Lễ hội Kỳ Sầm là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh trong dịp trẩy hội mùa xuân Non nước Cao Bằng. Nếu du khách đến đền Kỳ Sầm không phải dịp lễ hội, có thể đăng ký trước 1 ngày với ban tổ chức để có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ, trình diễn nghệ thuật hát Then - đàn tính.

Phố đi bộ Kim Đồng - điểm nhấn văn hóa - du lịch sâu đậm trong lòng du khách khi đến Cao Bằng.

Phố đi bộ Kim Đồng - điểm nhấn văn hóa - du lịch sâu đậm trong lòng du khách khi đến Cao Bằng.

Khi “Thành Mục Mạ về đêm”, trải nghiệm thú vị rất đáng thử dành cho du khách đó là hòa mình vào không gian văn hóa Phố đi bộ Kim Đồng, trải nghiệm ẩm thực đêm tại chợ ẩm thực. Phố đi bộ Kim Đồng là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2019). Không gian phố đi bộ trải rộng từ đầu cầu Bằng Giang đến gần chân dốc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dài hơn 600 m. Từ 19 - 23 giờ các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, tại phố đi bộ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh chương trình biểu diễn văn nghệ tại sân khấu Non nước Cao Bằng, phố đi bộ còn diễn ra những hoạt động hấp dẫn, như: nhảy dân vũ, trưng bày triển lãm, thư viện lưu động, trò chơi dân gian... Cùng với đó là các gian hàng giới thiệu đặc sản địa phương thu hút nhiều thực khách đến tham quan và thưởng thức. Chợ ẩm thực Cao Bằng tọa lạc tại trung tâm phố đi bộ, được coi là điểm nhấn của phố đi bộ. Chợ ẩm thực được thiết kế các ki ốt bên ngoài bày bán đồ lưu niệm, đặc sản Cao Bằng, tiêu biểu như: bánh khảo, hạt dẻ, măng, miến, nấm hương, mác mật khô, các loại trà, bánh truyền thống của địa phương…; phía bên trong có các gian hàng ẩm thực như: lợn quay, vịt quay, lạp sườn, thịt hun khói, rau rừng, rượu ngô men lá, các món phở bò, gà, lợn, vịt, lẩu cháo chim bồ câu, đồ nướng BBQ, các món lẩu..., đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Đây cũng là một trong những địa chỉ đáng lưu tâm đối với thực khách khi muốn trải nghiệm các đặc sản miền Non nước Cao Bằng, để ăn một lần là nhớ mãi.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, du khách đến từ tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: Sau hành trình khám phá những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rất ấn tượng khi hòa mình vào không khí vui tươi, sôi động của các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian; thưởng thức ẩm thực đường phố, đặc sản vùng cao và trải nghiệm nhịp sống thành phố về đêm.

Thành phố đang ngày một khởi sắc, tươi tắn. Các trục đường, ngõ phố được quy hoạch lại với những tên gọi mới gắn với những danh nhân lịch sử như: đường Hoàng Đình Giong, phố Hoàng Như, đường Đàm Quang Trung, phố Bế Văn Đàn, phố Kim Đồng. Thành phố cũng mang trong mình vẻ đẹp trầm tư của Pháo Đài cổ, chùa Phố Cũ, dòng sông Bằng, sông Hiến, tạo nên nét độc đáo riêng của thành phố miền biên viễn. Các tuyến phố sạch sẽ phong quang, hàng cây bên đường ngày ngày tỏa bóng mát, du khách tản bộ, thả hồn cùng mây trời, sông nước, thưởng ngoạn vùng đất “Tam giang tứ trụ”.

Bài cuối: Khám phá hành trình “Dấu ấn lịch sử”

Minh Đức

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kham-pha-vung-dat-tam-giang-tu-tru-bai-2-3173042.html