70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị

Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong và mắc mới cao thứ hai sau ung thư gan, theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan năm 2022. Đáng nói, có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.

ThS.BS Nguyễn Bá Tĩnh - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh thông tin này trong chương trình "Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên diễn ra sáng nay 14/12.

ThS.BS Nguyễn Bá Tĩnh - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết: Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong và mắc mới cao thứ hai sau ung thư gan.

ThS.BS Nguyễn Bá Tĩnh - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết: Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong và mắc mới cao thứ hai sau ung thư gan.

Bác sĩ trung ương về thăm khám tầm soát, tư vấn phòng chống ung thư phổi cho bà con

Tại chương trình, hơn 30 bác sĩ thuộc Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thăm khám cho hơn 500 người dân trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, hoặc 40 tuổi trở lên.

Những người đến khám tầm soát nếu hút thuốc là lâu năm, hoặc có người thân mắc ung thư phổi... đã được các y, bác sĩ có chuyên môn về ung bướu khám hô hấp, nghe tim phổi miễn phí.

Với những người có dấu hiệu nghi ngờ về bệnh hô hấp, ung thư phổi, cũng được làm các xét nghiệm bổ sung, chụp X-quang phổi, hoặc được tài trợ chụp CT liều thấp miễn phí tại bệnh viện có chuyên khoa ung bướu. Tại sự kiện, người dân còn có dịp lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia, bác sĩ về chăm sóc sức khỏe.

Cầm trên tay phiếu khám, bà Phạm Thị Chất Lan (70 tuổi) cùng chồng di chuyển đến bàn tư vấn. Sau khi bác sĩ nghe tim, phổi, hỏi các thông tin liên quan, ông bà được hướng dẫn ra xe lưu động để chụp chụp x-quang phổi. Sau khi có kết quả, các bác sĩ đọc kết quả luôn. Nếu phát hiện bất thường sẽ đưa đi chụp CT liều thấp để chẩn đoán ung thư phổi.

Đông đảo người dân đến thăm khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi.

Đông đảo người dân đến thăm khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi.

Còn bà Loan (SN 1961 ở Văn Giang Hưng Yên) chia sẻ đây là lần đầu tiên bà được tầm soát ung thư phổi miễn phí.

"Nghe thông tin hôm nay sẽ có các bác sĩ tại bệnh viện trung ương đến khám sức khỏe, tôi bỏ việc đồng áng để đến nhờ các bác thăm khám. Khoảng 10 năm nay tôi cũng chưa khám sức khỏe nên hy vọng sẽ được khám sàng lọc, nếu có bệnh thì cũng đến viện điều trị sớm"- bà Loan nói rồi tất tả cầm phiếu khám đến bàn khám.

Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan, có dấu hiệu trẻ hóa

Ông Tĩnh cho hay, theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong. Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Đáng nói, hiện chỉ có 25% -30% người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.

Hơn 30 bác sĩ trung ương về thăm khám tầm soát, tư vấn phòng chống ung thư phổi cho bà con.

Hơn 30 bác sĩ trung ương về thăm khám tầm soát, tư vấn phòng chống ung thư phổi cho bà con.

Trước đây, ung thư vú tại Việt Nam cũng vậy, chỉ khoảng 25%-30% được chẩn đoán sớm. Những năm gần đây, con số này đã đảo chiều, số ca ung thư vú phát hiện ở giai đoạn sớm đã tăng lên 70%-80%. "Thành quả này là nhờ công tác truyền thông đến cộng đồng, người dân đã quan tâm đến sức khỏe hơn, khám sàng lọc sớm, điều trị sớm"- ông Tĩnh cho hay.

Thời gian qua tại Bệnh viện K cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư phổi. Vì vậy, khi có các dấu hiệu như ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường,… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, đặc biệt là những người có nguy cơ như hút thuốc lá, có người thân mắc bệnh…

"Việc khám sàng lọc và chụp CT liều thấp có thể giúp người dân chủ động bảo vệ và kiểm soát sức khỏe phổi, cũng như sớm phát hiện ung thư, từ đó cải thiện đáng kể kết quả điều trị của người bệnh. Do đó, chương trình "Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" là cơ hội thúc đẩy người người dân tầm soát, theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh hô hấp và ung thư phổi, để từ đó có thể trao đổi kịp thời với bác sĩ điều trị"- ThS.BS Bá Tĩnh chia sẻ.

Chương trình Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi năm trong chiến dịch Thương phổi do Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức với sự đồng hành của AstraZeneca Việt Nam được tổ chức từ năm 2023 với thông điệp "Tầm soát ngay, sớm chữa lành". Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư phổi, thúc đẩy các chương trình sàng lọc cho những người có nguy cơ cao và tăng tỉ lệ chẩn đoán sớm để cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Người dân đến khám sàng lọc, chụp x-quang tại chương trình.

Người dân đến khám sàng lọc, chụp x-quang tại chương trình.

Cùng với việc thăm khám thông thường, người dân cũng có thể cập nhật thông tin về bệnh lý hô hấp và ung thư phổi tại website thuongphoi.vn. Và trong thời gian tới, website cũng sẽ cập nhật nền tảng tầm soát ung thư phổi trực tuyến chuyên biệt, giúp hàng triệu người dễ dàng tự thực hiện tầm soát và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kham-sang-loc-mien-phi-benh-ung-thu-mac-cao-thu-2-tai-viet-nam-cho-500-nguoi-dan-169241214114548709.htm