Khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm điều kiện thực thi các luật

Chiều 21.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đưa các quy định mang tính đột phá sớm đi vào cuộc sống

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 nhằm đưa các nội dung đổi mới của các luật này sớm vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, với việc cho phép các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành sớm sẽ đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân; bảo đảm các điểm mới, quy định mang tính đột phá sớm đi vào cuộc sống, góp phần ổn định chính trị, an ninh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc trình dự thảo luật ra Quốc hội lần này cho thấy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các luật được Quốc hội thông qua vào cuộc sống.

Tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật

Các ĐBQH cũng đề nghị cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo đảm các điều kiện thi hành khi thời điểm có hiệu lực của các luật sớm hơn. Bởi hiện nay vẫn còn số lượng lớn các văn bản quy định chi tiết các luật chưa được ban hành. Trong khi đó, có những văn bản quy định chi tiết thuộc trách nhiệm của địa phương có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do địa phương ban hành.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị, Chính phủ khẩn trương, sớm chỉ đạo bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị đầy đủ điều kiện để luật có hiệu lực thi hành sớm. Rà soát kỹ các điều kiện, các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chung quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) lưu ý, khi xây dựng các nghị định, nghị quyết, Chính phủ cần xác định rõ đâu là việc cần ưu tiên làm trước, đâu là việc làm sau để kịp thời hướng dẫn địa phương và địa phương cũng yên tâm triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Chính phủ cần khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ban hành các văn bản triển khai thực thi các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/khan-truong-chuan-bi-bao-dam-dieu-kien-thuc-thi-cac-luat-i376441/