Khẩn trương di dời khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước

Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 có lịch sử lâu đời nhất miền Nam và cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình để hình thành một khu đô thị - thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại.

Sản xuất tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam - CADIVI, doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Hoàng Lộc

Sản xuất tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam - CADIVI, doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Hoàng Lộc

Công tác di dời các nhà máy tại đây đang được tỉnh đẩy nhanh, với quyết tâm hoàn thành trước ngày 1-8 khoảng 50% diện tích, phần còn lại hoàn tất trước ngày 1-12-2025.

Rút ngắn thời gian 5 tháng

Được thành lập từ những năm 1960, KCN Biên Hòa 1 có diện tích khoảng 330 hécta, là KCN đầu tiên của cả nước. Qua hơn 60 năm hoạt động, KCN này đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và quốc gia. Tuy nhiên, nằm trong trung tâm đô thị tỉnh, lại giáp sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho hàng triệu người dân Đồng Nai và các địa phương lân cận nên KCN Biên Hòa 1 ngày càng bộc lộ những hạn chế lớn về môi trường và quy hoạch đô thị.

Được sự chấp thuận chủ trương của Chính phủ, đầu tháng 2-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo đề án, tỉnh sẽ thu hồi gần như toàn bộ diện tích đất các doanh nghiệp (DN) đang sử dụng để phục vụ mục tiêu phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Lộ trình đặt ra là hoàn thành di dời giai đoạn 1 vào cuối năm 2024 và toàn bộ KCN được di dời trước ngày 31-12-2025.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách trong việc bảo vệ môi trường, triển khai xây dựng Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh và đấu giá quyền sử dụng đất, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2105/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung đề án. Theo quyết định điều chỉnh, tỉnh sẽ thu hồi 329 hécta đất của KCN này, trong đó chia thành 2 mốc thời gian: trước ngày 1-8-2025, hoàn thành thu hồi khoảng 154 hécta và trước ngày 1-12-2025, hoàn tất thu hồi phần diện tích còn lại. Như vậy, tiến độ giải phóng mặt bằng khu vực ưu tiên được rút ngắn sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Mai Phong Phú cho biết, đơn vị đang gấp rút triển khai các phần việc trọng yếu của đề án. Tính đến ngày 10-7, trung tâm đã lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 65/69 công ty và tổ chức niêm yết công khai, trong đó nhiều dự thảo phương án đã được trình UBND phường Trấn Biên thẩm định; đồng thời; đã lập được 33 chứng thư định giá tài sản.

“Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là chưa từng có tiền lệ, khối lượng công việc rất lớn, trong khi một số chính sách chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các sở, ban, ngành và Tổ Công tác đặc biệt của tỉnh để giải quyết các kiến nghị của DN, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng” - ông Phú nhấn mạnh.

Tiền lệ để “xóa bỏ” khu công nghiệp cũ, không phù hợp quy hoạch

Hiện nay, nhiều DN tại KCN Biên Hòa 1 đã và đang di dời nhà máy, số còn lại đã có cam kết tiến độ thực hiện. Hầu hết DN đồng thuận với chủ trương thực hiện đề án của tỉnh, chỉ mong chính quyền sớm có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Tập đoàn Tân Mai là một trong các DN đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, với diện tích thuê đất khoảng 17 hécta. Quá trình tổ công tác liên ngành của tỉnh đến kiểm tra và vận động, DN đã đồng ý tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng, di dời máy móc, thiết bị và thanh lý hợp đồng thuê kho bãi của 4 DN khác trước ngày 31-7-2025 để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Đại diện Tổng công ty Sonadezi (đơn vị quản lý hạ tầng KCN) cho hay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 10-7 vừa qua, công ty đã có văn bản gửi đến các DN thông báo việc hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng thuê đất và sử dụng hạ tầng kỹ thuật trước ngày 15-7. Đồng thời, từ ngày 1-8, KCN Biên Hòa 1 sẽ ngừng cung cấp toàn bộ dịch vụ hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, xử lý nước thải. Đây là động thái chủ động và quyết liệt nhằm thúc đẩy tiến trình di dời, giải phóng mặt bằng KCN để thực hiện đề án theo kế hoạch đã đề ra.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, việc di dời KCN Biên Hòa 1 là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng khu đất ưu tiên trước ngày 1-8 để kịp tổ chức đấu giá và khởi công xây dựng khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh. Các khu vực còn lại phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 1-12-2025, không được chậm trễ. Trong thời gian tới, KCN lâu đời nhất cả nước sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình để nhường chỗ cho một khu đô thị - dịch vụ - thương mại hiện đại, đẳng cấp. Công trình này được kỳ vọng trở thành điểm nhấn của tỉnh, tạo ra không gian phục vụ cộng đồng, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về phát triển đô thị xanh và bền vững.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Thái Bảo, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách, mang ý nghĩa chiến lược đối với phát triển đô thị, kinh tế và môi trường của tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và chi trả bồi thường, hỗ trợ một cách minh bạch, đúng quy định, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng DN và người dân.

Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là quyết tâm chính trị của tỉnh nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và hình thành khu trung tâm chính trị - hành chính mới. Làm tốt đề án này sẽ không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng, mà còn có thể trở thành tiền lệ để các địa phương khác học tập, nghiên cứu mô hình chuyển đổi công năng KCN cũ, không còn phù hợp quy hoạch trong thời gian tới.

Hoàng Lộc

Sản xuất tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam - CADIVI, doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/khan-truong-di-doi-khu-cong-nghiep-lau-doi-nhat-ca-nuoc-60d1b74/