Khẩn trương hiện thực hóa cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm với tỷ lệ tán thành rất cao, 97,37% tổng số ĐBQH. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra là khẩn trương đưa cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội vừa trao cho 'thành phố mang tên Bác' vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động trên mảnh đất 'thành đồng Tổ quốc'.

Số lượng cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mà Quốc hội vừa thông qua có 44 cơ chế, chính sách. Trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh); 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự thảo luật; và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh có.

Đánh giá về các cơ chế, chính sách đặc thù này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, đây là số lượng cơ chế, chính sách đặc thù "khổng lồ nhất" từ trước đến nay mà Quốc hội đã thông qua. Nghị quyết cũng nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía các đại biểu Quốc hội, thể hiện sự ủng hộ rất cao đối với Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất vốn được mệnh danh là vô cùng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, tạo ra động lực thực sự phát huy và thúc đẩy hơn nữa vai trò "đầu tàu" kinh tế của cả nước.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong tổng số 44 cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết lần này, có thể chia thành 4 nhóm, gồm: nhóm cơ chế giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách; nhóm "biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển", gồm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), hay cơ chế BOT riêng của thành phố; nhóm cơ chế liên quan đến khai thác tài nguyên, đất đai; và nhóm cơ chế liên quan đến tổ chức, cán bộ, con người.

Nếu khai thác được toàn bộ nguồn lực từ các cơ chế, đặc thù này sẽ tạo ra thay đổi rất lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới. Khẳng định điều này, song đại biểu Hoàng Văn Cường cũng chỉ rõ, kết quả này phụ thuộc lớn vào công tác thực thi, con người và bộ máy triển khai thực hiện, trong đó yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả thực thi công vụ.

Phân tích sâu hơn về các chính sách liên quan đến phân cấp, phân quyền, tổ chức, nhân sự quy định tại Nghị quyết, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phân cấp, phân quyền không chỉ nhằm "trao quyền nhiều hơn", mà đây chính là cơ sở để thực hiện phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm từ đội ngũ quản lý đến những người thực thi. Khi đã phân định rõ được đúng như tinh thần của Nghị quyết như vậy, chắc chắn sẽ bảo đảm sự rành mạch trong hiệu quả vận hành của bộ máy, đặc biệt là rõ "hiệu quả đầu ra" ở cấp cơ sở, xã, phường.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cùng với giao việc, giao quyền, giao hiệu quả đầu ra, thì phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn, tạo động lực thu hút người tài và cán bộ toàn tâm, toàn ý thực hiện các nhiệm vụ được giao. Vì thế, bên cạnh cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, thì Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động hơn, kết hợp với cơ chế khuyến khích người tài, chuyên gia, đón đầu việc đổi mới cơ chế tiền lương… để thực sự tạo ra cơ chế nổi trội, thu hút người tài, giúp cán bộ, công chức yên tâm phục vụ người dân, cống hiến cho sự phát triển của thành phố.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu chỉ tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác nguồn lực được trao, mà cán bộ không thay đổi, không có cơ chế đánh giá, khuyến khích, đãi ngộ tốt thì chính sách sẽ khó triển khai hiệu quả. Do vậy, thành phố cần phân công công việc thật cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị để nhanh chóng đồng bộ các phần việc, tránh tình trạng "chỗ này muốn làm nhưng phải chờ, hoặc vướng chỗ khác". Như vậy, các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội sẽ được thực thi ngay, không phải chờ phân công, phân định trách nhiệm cho từng đơn vị, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc và điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đóng góp khoảng 27%. Do vậy, việc có chính sách vượt trội nhằm tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, cùng với nội dung và giải pháp đã được xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Cách làm và xây dựng văn bản thực thi phải đổi mới, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn. Qua đó, đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các giải pháp cũng theo đó cần hướng đến những "địa chỉ cụ thể", tránh chung chung, ví dụ xác định rõ ngay việc sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào, thời gian dự kiến bao lâu, quy mô nguồn lực thế nào...

Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực, chủ động của địa phương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm thực thi giữa Trung ương với địa phương tạo sự phối hợp "đồng nhịp" trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, phải thay đổi cách tiếp cận, theo đó thay vì lối nghĩ “Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò chính”, cần có sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. Trung ương phải có sự bảo đảm mạnh mẽ để Thành phố thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết này.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, và sẽ trình 8 Tờ trình ra HĐND Thành phố về các cơ chế chính sách; các nội dung cụ thể về TOD, thu hồi đất… Theo đó, từng quý sẽ có những nhiệm vụ riêng, trên cơ sở đó, từng sở, ngành triển khai các đầu việc, sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Tất cả quyết tâm cùng sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tập trung cao độ để hiện thực hóa nội dung Nghị quyết của Quốc hội với chất lượng và hiệu quả tốt nhất, đáp ứng mong đợi của không chỉ đại biểu Quốc hội cùng cử tri và Nhân dân Thành phố.

Và, để có thể sớm hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh cần sự phối hợp nhịp nhàng từ các bộ, ngành liên quan.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/khan-truong-hien-thuc-hoa-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-ho-chi-minh-i334913/