Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, bố trí đủ vốn đầu tư cao tốc Hà Giang–Tuyên Quang (giai đoạn 1)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cân đối bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để tập trung đầu tư dự án cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Ngày 28/5, trong chương trình công tác tại Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Giang.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang.

Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững

Báo cáo của tỉnh Hà Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng với những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của mình, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, là "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc.

Trong đó, đáng chú ý, về tiềm năng nông nghiệp, Hà Giang có diện tích đất rừng lớn với tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 59%, có tiềm năng về mua bán tín chỉ carbon; có tính đa dạng sinh học cao với gần 1.500 loài thực vật; hơn 460 loài động vật với trên 100 loài động vật trong sách đỏ và trên 100 loài thực vật quý hiếm. Tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng, phong phú (trên 1.100 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý). Có hệ thống sông, suối dày đặc; diện tích hồ gần 8.900 ha.

Về tiềm năng công nghiệp, tỉnh nhiều sông thuận lợi cho phát triển thủy điện; tài nguyên khoáng sản đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như quặng sắt, quặng chì, kẽm, quặng mangan, quặng antimon…

 Theo Thủ tướng, Hà Giang cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề vệ sinh, môi trường cho nhân dân, nâng cao ý thức người dân, đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục…

Theo Thủ tướng, Hà Giang cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề vệ sinh, môi trường cho nhân dân, nâng cao ý thức người dân, đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục…

Về tiềm năng du lịch, Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành, nhiều địa điểm đã được biết đến nhiều trong nước, quốc tế như cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của đất nước; sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" đẹp nhất của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú... Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 do World Travel Awards bình chọn. Tỉnh có có 1 di sản văn hóa, 1 di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia…

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng. GRDP quý I tăng trưởng dương (đạt 2,65%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 18,3% so với cùng kỳ. Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng gần 17,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Hà Giang là một trong 3 tỉnh được Trung ương bố trí nguồn vốn lớn nhất để để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp

 Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".

Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang; Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Giang, cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Giang cần nghiên cứu đổi mới cách thức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng, nhanh chóng.

Hà Giang cần hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng trong quý III/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các khó khăn, thách thức của địa phương.

Đặc biệt chú trọng phát triển, tăng cường hệ thống trường dân tộc nội trú; nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp (đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp), đảm bảo tốt nhất việc tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 Thủ tướng yêu cầu Hà Giang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Thủ tướng yêu cầu Hà Giang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Quyết tâm, tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số. Chú trọng đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thủ tướng yêu cầu Hà Giang giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và các hoạt động hợp tác, giao lưu khu vực biên giới.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Hà Giang đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, khắc phục tình trạng thiếu điện, thiếu sóng viễn thông bằng mọi giải pháp, kêu gọi, huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này....

 Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phát triển đồng bộ, cân bằng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phát triển đồng bộ, cân bằng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cân đối bố trí đủ vốn để tập trung đầu tư dự án cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1)

Đáng chú ý, tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về các kiến nghị của Hà Giang. Trong đó, về dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cân đối bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để tập trung đầu tư dự án cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Việc đầu tư hoàn chỉnh, nâng quy mô lên 4 làn xe với dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (giai đoạn 1) và đầu tư đoạn từ Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (giai đoạn 2) với quy mô 4 làn xe là cần thiết, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập dự án cụ thể, chủ động bố trí nguồn lực và nghiên cứu hình thức hợp tác công tư, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng đồng ý việc hỗ trợ một phần kinh phí để rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giải phóng đất đai tạo sinh kế cho nhân dân với diện tích hơn 3.000 ha trên tuyến biên giới; yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng để rà soát, xác định các khu vực cần triển khai thực hiện khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên và đề xuất nhu cầu vốn, gửi các bộ ngành tổng hợp, đề xuất.

Về ngân sách để giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc, Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ ưu tiên. UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá hiện trạng, hiệu quả hoạt động của các công trình hiện hữu, nhu cầu cấp nước sinh hoạt, khả năng đáp ứng nguồn nước và nguồn vốn để xác định quy mô hỗ trợ đầu tư phù hợp, lập dự án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về 200 thôn chưa có điện, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát, ưu tiên sử dụng số vốn đầu tư công đã được giao trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các công trình cấp điện cho các thôn, bản khó khăn nhất.

Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của tỉnh Hà Giang, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu về nguồn vốn, cơ chế tài chính thực hiện Chương trình "Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025", báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khan-truong-hoan-thien-thu-tuc-bo-tri-du-von-dau-tu-cao-toc-ha-giangtuyen-quang-giai-doan-1-post249461.html