Khẳng định giá trị trường tồn của Then
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự kiện này tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước năm 2003 về bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO.
Then là tín ngưỡng cúng vía của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Người làm nghề tín ngưỡng cúng vía là các ông Then, bà Then. Ở Cao Bằng, ông Then còn được gọi là Dàng; ở Lạng Sơn, Dàng gọi là Then Tậc (tức Then đực).
Hát Then là nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then. Hát Then quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then. Không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ không gọi là Then. Đây là điều nổi trội về nghệ thuật làm cho Then trở thành hình thức thờ cúng có sức hấp dẫn rất lớn trong đời sống người Tày, Nùng, Thái.
Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn được các nghệ nhân coi là nơi phát tích của hai phong cách hát Then. Cao Bằng là Then Võ và Lạng Sơn là Then Văn. Then Võ hát khỏe khoắn, tiết tấu linh hoạt; Then Văn hát uyển chuyển, mềm mại.
Khi làm Then cúng vía, đàn tính, giọng ca và xóc nhạc là ngôn ngữ đồng hành cùng khói hương. Lời ca, tiếng đàn là phương tiện duy nhất đưa người ngồi dự lễ Then du ngoạn cùng đoàn âm binh của thầy Then mang lễ vật dâng lên thần linh ở khắp 3 mường: Mường Đất, mường Trời và mường Nước. Gần 4.000 câu thơ, với muôn vàn câu chuyện, từ chuyện đời sống, chuyện bản mường, chuyện chim muông, chuyện tình yêu đến chuyện phu phen tạp dịch... làm cho lễ cúng Then trở thành màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực.
Trong đám khói hương mộng mị, giọng hát, tiếng đàn của thầy Then nhập vào tiếng nhạc ngựa rộn ràng đưa hồn người ngồi dự lễ Then đi vào nhiều miền kỳ thú. Những đêm Then, những câu chuyện Then diễn ra trong suốt trường kỳ lịch sử trở thành những buổi trình diễn nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của người Tày, Nùng, Thái hàng trăm, hàng nghìn năm nay. Đã thành tập tục, một nhà tổ chức lễ Then là cả họ tham gia, cả lân bang làng xóm tham gia. Họ đến không chỉ để thỏa mãn, để gửi gắm sự tin cậy vào khả năng siêu phàm của thầy Then-người có khả năng cứu giúp người thân tai qua nạn khỏi, gặp được vận may trong cuộc đời, mà còn đến để được nghe tiếng tính, giọng hát kể chuyện của thầy Then để thỏa mãn sự khao khát âm nhạc, sự thích thú những câu chuyện kể.
Cái trường kỳ lịch sử nghệ thuật ấy làm cho tiếng đàn, lời ca Then thấm sâu vào tình cảm, rồi trở thành vô thức để mỗi khi tiếng đàn Then cất lên lại gõ vào cái vô thức ấy làm hiện lên tất cả những gì có trong lễ Then.
Có một thời, Then bị cấm, người làm Then bị ngưng hành nghề. Tuy nhiên khát khao nghe Then trong cộng đồng thì không bao giờ biến mất. Cộng đồng đã tìm cách để được nghe Then, được xem biểu diễn Then ngay trong thời kỳ nghiệt ngã ấy. Cách làm tốt và hiệu quả nhất đã diễn ra là hát những bài Then, hát những điệu Then không cần làm lễ Then. Bài Then thì có cả lời ca trong các lễ Then, còn điệu Then thì viết vào đó những lời ca có nội dung phản ánh đời sống con người đương thời. Thế thì Then mới được các nhà quản lý xã hội khi đó chấp nhận.
Câu chuyện “Nghe hát Then khỏi bệnh” của ông Phạm Tuất, tác giả cuốn “Then Tày đăm” do Hội Văn nghệ dân gian, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành, là câu chuyện khá thú vị về giá trị của âm nhạc Then trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái một thời bị cấm đoán. Tác giả Phạm Tuất viết: “Trong dịp đi điền dã, sưu tầm ở một vùng Tày đăm (đen) tôi gặp ké Vương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã kể lại: Có một gia đình họ Hà, ông bố ốm đã lâu, thấy sức ngày càng suy kiệt, ông bảo vợ lên gặp tôi cầu xin cho được mời thầy Then về, để nghe một khúc hát Then. Ông uống thuốc hàng năm ròng mà bệnh không thuyên giảm, không biết sống chết lúc nào. Tôi hẹn đến chiều tối sẽ trả lời. Rồi tôi đi gặp mấy thành viên của Ban Nếp sống văn hóa xã, Trưởng ban Văn hóa, Bí thư Đảng ủy xã, Thanh niên, Công an, Hội Phụ nữ xã… cuối cùng các thành viên cũng thấy, người ốm chỉ mong ước được nghe một khúc hát Then thôi, đâu có phải là mê tín, bói toán gì mà ngăn cấm. Và ông già họ Hà được toại nguyện. Đêm ấy ông được nghe thầy Then hát, trên bàn thờ không một đốm nhang, thầy Then hát đường Than Pang Khoăn (số, vía). Rồi thật lạ kỳ, từ cái đêm được nghe hát Then, sáng hôm sau ông đã ngúc ngoắc dậy, rồi ăn thấy ngon miệng, sức khỏe ông già họ Hà dần dần hồi phục… Sau chuyện đó, Ban Nếp sống văn hóa xã họp và điều chỉnh quy ước cho phù hợp, vì cứ để như trước đây thì cứng nhắc quá trong việc thực hiện về tín ngưỡng của nhân dân”.
Lối hát những bài Then, những điệu Then không phụ thuộc vào lễ Then đã được cộng đồng thực hành là như vậy. Mục đích để làm thỏa mãn những cơn thèm nghe Then của những người “nghiện” nhạc Then. Đây là lối làm khôn khéo của cộng đồng Then nhằm mục đích giữ Then trong đời sống, khi lệnh cấm Then được ban hành.
Đến nay, khi lễ Then được phép hoạt động trở lại, các ông, bà Then được phép hành nghề thì cộng đồng Then Tày, Nùng, Thái vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt hát Then kiểu này, với tên gọi hát Then-đàn Tính. Hát Then-đàn Tính mặc dù sinh ra từ Then nhưng không phải là Then, bởi nó không có gì liên quan gì đến đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái. Nhưng về mặt nghệ thuật học, nó lại làm thỏa mãn nhu cầu được sáng tạo nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo âm nhạc từ Then (cách tân âm nhạc Then) của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái hiện đại.
Trong cuộc khảo sát Then gần đây ở 10 tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi nhận thấy cách hát Then, cách chơi đàn Then của các thầy Then trẻ, các thầy Then trung niên đã có những ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ thuật chơi đàn của các nghệ sĩ hát Then-đàn Tính. Nhiều người trong họ là các thầy Then trẻ cũng có nguồn âm nhạc từ hát Then-đàn Tính trước khi trở thành thầy Then. Khi trình diễn họ chú ý nhiều tới cách thức luyến láy làm cho giai điệu hát đẹp hơn, diễn cảm sâu sắc hơn. Họ sử dụng nhiều ngón kỹ thuật phức tạp như mổ kép, bật dây, ngắt tiếng, vẩy ngón là những kỹ thuật được các thầy dạy đàn tính cho các học trò trong các trường nghệ thuật miền núi phía Bắc từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến ngày nay.
Cuộc song hành nghệ thuật âm nhạc của lễ Then với nghệ thuật âm nhạc của hát Then-đàn Tính chắc chắn không làm ảnh hưởng xấu đến nhau mà nó còn có sự tương tác, bổ trợ nghệ thuật cho nhau. Sự tương tác ấy đang và sẽ sinh ra những nghệ sĩ cúng Then có giọng hát, tiếng đàn được cộng đồng yêu mến.
Chuyện trò với chúng tôi, “ông” Then đồng bào Tày-Hoàng Văn Tâm, sinh 1981, pháp danh Huyền Công (ở số nhà 12 ngõ 5, đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) nói: “Khi tôi hát trường đoạn Then Cầu hồn, trong không khí tĩnh lặng, bài hát làm cho bao nhiêu người cảm động rơi nước mắt”. Câu nói ấy đã đủ chứng minh cho sự quan tâm đến nghệ thuật âm nhạc trong Then của các thầy Then trẻ.
Hát Then-đàn Tính đã trở thành một hình thức sinh hoạt liên hoan nghệ thuật cộng đồng. Nghệ thuật ấy càng phát triển, người Tày, Nùng, Thái càng yêu Then. Nếu nói cần bảo tồn Then thì điều quan trọng: Cần chúng ta có một thái độ trân trọng với di sản.