Khẳng định vai trò của lực lượng phòng không nhân dân

Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận về các vấn đề như: Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân...

Tham gia thảo luận, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phạm Như Hiệp khẳng định vai trò của lực lượng phòng không nhân dân.

Ông Hiệp dẫn chứng từ trận Điện Biện Phủ trên không mà nước ta đã giành được chiến thắng hào hùng; đồng thời khẳng định, từ cuộc tập kích đường không đó, lực lượng phòng không chính quy, lực lượng phòng không quốc gia, đặc biệt là lực lượng phòng không nhân dân đã đóng góp thành tựu vô cùng lớn lao trong việc bảo vệ Tổ quốc và góp phần cho cuộc kháng chiến thành công.

Trong chiến tranh hiện đại, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, lực lượng không quân là lực lượng chế áp tại chiến trường.

Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp

Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp

Đề cập về vai trò của lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Phạm Như Hiệp nhận thấy, đây là lực lượng phòng không tầm thấp (vì phòng không tầm cao có lực lượng phòng quân quốc gia, lục quân, không quân bảo vệ). Phòng không nhân dân sẽ phòng tránh, đánh trả và bảo vệ tên lửa, sân bay và bảo vệ các lực lượng không quân ở tầm cao.

Liên quan đến Điều 5 quy định về nhiệm vụ phòng không nhân dân, sự phối hợp giữa phòng không nhân dân và phòng không quốc gia, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “phòng không hải quân” để có tính cơ động, có thể tập trung hỏa lực để bảo vệ các khu vực thiết yếu, trọng điểm, phòng tránh đánh trả cũng như phân tán trong thời gian ngắn. Việt Nam là quốc gia có biển.

Về lực lượng và trang bị, ông Hiệp cho rằng, ngoài súng phòng không, pháo cao xạ, pháo phòng không thì tên lửa vác vai cũng là phương tiện rất cần thiết và hiệu quả cao.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng nêu ý kiến, góp ý các vấn đề về chính sách, thể chế hoàn thiện để tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; rà soát các khái niệm, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng không nhân dân; làm rõ nội hàm về vị trí, vai trò của phòng không nhân dân; rà soát để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; xem xét lại phạm vi điều chỉnh; bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật…

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các ĐBQH.

Bộ trưởng Phan Văn Giang đã giải trình về các vấn đề về cấp phép bay; về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm; về khái niệm, bảo vệ vùng.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại và nêu khái niệm như sau: Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng chống khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại đã có 12 lượt ĐBQH phát biểu. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với dự thảo luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao việc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến. Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, về bố cục, nhiều nội dung của dự thảo Luật và cơ bản nhất trí với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát, bổ sung hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định; bổ sung thông tư của Bộ Quốc phòng; bổ sung đánh giá tác động của một số chính sách cụ thể. Đồng thời rà soát kỹ lưỡng các điều khoản của dự thảo Luật để không trùng lặp và tương thích hệ thống pháp luật hiện hành…

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua Luật Đường bộ.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

NGỌC NHI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/khang-dinh-vai-tro-cua-luc-luong-phong-khong-nhan-dan-142420.html