Khẳng định vai trò trong phát triển chăn nuôi Thủ đô

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Hà Nội có bước phát triển mạnh cả về năng suất, chất lượng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được phát hiện, xử lý, khống chế kịp thời. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ thú y các cấp.

Cán bộ thú y kiểm dịch sản phẩm trước khi tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: Trọng Tùng

Cán bộ thú y kiểm dịch sản phẩm trước khi tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: Trọng Tùng

Đưa ngành chăn nuôi đứng tốp đầu cả nước

Với bề dày 72 năm, xây dựng và phát triển, sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống ngành từ TP đến các quận huyện, thị xã, ngành thú y Hà Nội đã gặt hái được những thành quả lớn, quan trọng. Là Thủ đô, song hiện Hà Nội có tổng đàn gia súc gia cấm lớn đứng ở tốp đầu cả nước, với tổng đàn gia cầm 38 - 40 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 164.000 con, đàn chó mèo khoảng 460.000 con.

Đặc biệt, chất lượng đàn gia súc, gia cầm những năm qua được cải thiện đáng kể. Cụ thể, đàn bò sữa tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 100%, đã đưa tinh phân ly giới tính để nâng cao chất lượng đàn giống và năng suất sữa. Đàn bò thịt, đàn lợn tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt trên 80%, đàn gia cầm nhiều giống mới năng suất cao được đưa vào thực tế sản xuất; các giống bản địa được khôi phục; nhiều giống mới năng suất cao trên thế giới đã được đưa vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả.

Với vai trò làm công tác tham mưu, ngành thú y đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi, chương trình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện tốt việc hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với mạng lưới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, từ năm 2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu để HĐND TP ban hành Nghị quyết về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP được chính quyền và người dân đồng thuận cao.

Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tổ chức tốt việc tiêm phòng vaccine định kỳ và bổ sung cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, hàng năm chỉ đạo tổ chức 5 - 6 đợt tổng vệ sinh tiêu độc trên địa bàn toàn TP. Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc kiểm tra xuất, nhập động vật, gia súc, gia cầm trên địa bàn. Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu để khống chế và ngăn chặn dịch có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất.

Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tập trung cao độ cho công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn các quận. Đến nay, Hà Nội đã có 4 quận đã được công nhận Vùng an toàn bệnh dại; 44 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Từ năm 2019 đến nay, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không lo sợ nguy hiểm, những cán bộ thú y vẫn hàng đêm thực hiện kiểm soát giết mổ để đảm bảo cho người dân có thực phẩm qua kiểm soát hàng ngày.

Chưa hết khó khăn

Những năm qua, với sự quan tâm của TP, cùng các sở, ngành, địa phương, hệ thống thú y từng bước được hoàn thiện. Về hệ thống ngành, hiện tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội có 5 phòng chuyên môn, 30 trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã, 2 đơn vị trực thuộc, trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn tại các DN, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.

Đối với mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn đã tham mưu để HĐND TP Hà Nội có Nghị quyết quy định hệ thống nhân viên thú y xã phường (với 579 xã, phường, thị trấn) thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và hưởng chế độ như cán bộ "không chuyên trách" cấp xã theo đúng quy định của Luật Thú y. Đến nay, cả hệ thống đã và đang vận hành ngày càng hiệu quả trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã.

Phát huy kết quả đạt được sau 72 năm xây dựng và phát triển, ngành thú y Hà Nội đã và đang làm tốt hơn công tác dự báo tình hình về phát triển chăn nuôi trước bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động, diễn biến dịch bệnh khó lường. Đặc biệt làm tốt hơn công tác tham mưu về chính sách, nhất là chính sách đặc thù trong phát triển chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết, chăn nuôi công nghệ cao tiến tới xuất khẩu để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi, thú y nói riêng dự báo có nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều bệnh mới, chủng mới xuất hiện. Đặc biệt, khi Thành ủy và UBND TP đã có chủ trương, kế hoạch thí điểm hợp nhất 3 đơn vị cấp huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý. Đây thật sự là một khó khăn thách thức không nhỏ với ngành thú y để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 125/SL ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc, đây là văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác thú y, đánh dấu mốc lịch sử cho sự ra đời và phát triển của ngành thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y hiện nay. Ngày 12/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 664/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/7 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành thú y Việt Nam”. Đây chính là sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của ngành những năm qua trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khang-dinh-vai-tro-trong-phat-trien-chan-nuoi-thu-do.html