Khánh đá chùa Đồng Vũ
Chùa Đồng Vũ (Đạo Lý, Lý Nhân) nằm trong khu đất liền khoảnh, cạnh đình, tọa đông bắc, hướng tây nam, trông ra giếng nước trước cửa đình. Căn cứ dòng lạc khoản khắc trên bia 'Sùng Khánh tự bia' niên hiệu Thống Nguyên 4 (1525) và khánh đá 'Sùng Khánh Bảo tự ngọc thạch', niên hiệu Chính Hòa 25 (1704) thì chùa Đồng Vũ xây dựng đầu thời Lê Sơ. Công trình chính được bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm 2 tòa: tiền đường (5 gian), thượng điện (3 gian), xây kiểu tường hồi bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam. Tiền đường, thượng điện giao mái bắt vần với nhau, tạo thành một tổng thể công trình khép kín.
Chùa Đồng Vũ (Đạo Lý, Lý Nhân) nằm trong khu đất liền khoảnh, cạnh đình, tọa đông bắc, hướng tây nam, trông ra giếng nước trước cửa đình. Căn cứ dòng lạc khoản khắc trên bia “Sùng Khánh tự bia” niên hiệu Thống Nguyên 4 (1525) và khánh đá “Sùng Khánh Bảo tự ngọc thạch”, niên hiệu Chính Hòa 25 (1704) thì chùa Đồng Vũ xây dựng đầu thời Lê Sơ. Công trình chính được bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm 2 tòa: tiền đường (5 gian), thượng điện (3 gian), xây kiểu tường hồi bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam. Tiền đường, thượng điện giao mái bắt vần với nhau, tạo thành một tổng thể công trình khép kín.
Đặc biệt, phía trước sân chùa dựng chiếc khánh đá có tên chữ Hán là “Sùng Khánh Bảo tự ngọc thạch”, niên hiệu Chính Hòa 25 (1704). Đây là một trong hai khánh đá cổ, niên đại sớm nhất tỉnh Hà Nam (khánh có niên đại sớm nhất là khánh đá chùa Điều, Vũ Bản, Bình Lục, niên hiệu Chính Hòa 13 (1692). Khánh đá chùa Đồng Vũ có hình kiểu cánh dơi, nặng khoảng 300kg, chiều cao nhất 98cm, chiều rộng nhất 1,48m, dầy 1,4cm. Trán khánh chạm nổi đôi rồng trong thế “long giáng”. Rồng ở đây được bố cục theo kiểu cuộn khúc, đuôi vồng lên, vắt ngược ra sau gáy, thân mập có vẩy, vây. Mặt rồng to, mũi cuộn tròn, mắt nhỏ, cằm có bốn cặp râu ngắn, quanh rồng trang trí vân mây và các viên ngọc tròn. Cổ khánh chia làm 6 ô vuông: 3 ô bên phải mỗi ô khắc nổi 1 chữ gộp lại thành "Bảo Ngọc thạch", 3 ô bên trái mỗi ô khắc nổi một chữ gộp lại thành "Sùng Khánh tự". Đan xen 2 ô chữ đầu chạm hoa cúc mãn khai, lá đề. Giữa cổ khánh để lỗ tròn có đường kính 7cm tra cán treo khánh. Đặc biệt ở hai bên tay khánh, mỗi bên tạo 2 ô hình e líp, trong chạm nổi hai con thú: một cái, một đực trong tư thế đứng. Con thú đực ở ô bên phải trong tư thế khom mình, đầu ngoái cổ nhìn lên. Con thú cái ở ô bên trái trong tư thế khụy chân xuống, bên dưới có hai con: một con đang vươn cổ đón lấy vú mẹ, còn con kia kiễng chân sau đứng lên túm lấy đuôi mẹ. Lòng khánh khắc chìm chữ Hán ghi công đức những người đóng góp xây dựng chùa và về diện tích ruộng đất công điền của làng. Mặt sau khánh để trơn không có trang trí, ở giữa cổ khánh là lỗ tra cán treo, bên dưới là dòng lạc khoản chữ Hán về niên hiệu, ngày, tháng, năm tạo dựng khánh.
Về sự ra đời của khánh, theo sách Tượng Khí Tiêu quyển thứ 18 chép: "Ngài Vân Chương nói: hình của bản giống như đám mây, nên người ta cũng thường gọi tên của bảng là Vân Bản". Ông Tục Sự Lão cũng có thuật: "Vua Tống Thái Tổ cho rằng, tiếng trống hay làm giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống, vua Tống Thái Tổ chế dùng thiết khánh (khánh bảng thiết)". Loại khánh này cũng gọi là chinh, tức là vân bản. Khánh tiếng Phạn là Kiền Chùy (trong luật Phật còn gọi là Kiền Chùa Thành).
Khánh đá chùa Đồng Vũ. Ảnh: Đỗ Hiến
Khánh đá chùa Đồng Vũ tạo lập cách đây hơn ba thế kỷ. Xét về chất liệu, kích thước, trọng lượng, nội dung, mỹ thuật trang trí trên khánh hòa quyện thành một thể thống nhất, như một bức tranh dân gian sinh động kết hợp giữa văn tự và cảnh trí, giữa biểu tượng truyền thống với thẩm mỹ dân gian…mang chức năng là một trong những môn đạo khí của Phật pháp. Khánh đá chùa Đồng Vũ thể hiện khá đầy đủ những biểu tượng mang phong cách riêng hết sức độc đáo so với những khánh đồng, khánh đá đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu.
Qua nghiên cứu khánh đá chùa Đồng Vũ, các đề tài trang trí ở đây thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, tín ngưỡng dân gian.
Biểu tượng Lá đề: Trang trí lá đề trên khánh tập trung vào 2 ô tai khánh. Lá đề ở đây được cách điệu như hình một trái tim để ngược, gồm có 2 viền: viền ngoài dạng vân mây, viền bên trong là gờ chỉ để trơn. Theo Phật thoại, sau nhiều năm tu khổ hạnh vẫn không đắc đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi dưới gốc cây bồ đề để suy tư kiên định, thắng được mọi thế lực đe dọa, cám dỗ, chân lý sáng dần lên và cuối cùng giác được đạo, từ đó trở thành đức Phật. Cây bồ đề, lá bồ đề là những đề tài được sử dụng chạm khắc của các ngôi chùa. Lá đề mang ý nghĩa sâu xa là sự quy y Phật pháp, là giác ngộ.
Biểu tượng hoa cúc, hoa sen: Đây là hai loại hoa được sử dụng nhiều trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, đặc biệt trên kiến trúc, đồ thờ. Cúc như một thể đối đãi của sen để hội thành một cặp âm dương, trong đó cúc mang tính dương, sen mang tính âm. Sen biểu tượng cho sự thanh tao, trong sáng, cao quý. Trong đạo phật, hoa sen thường đi với các vị Phật - Phật ngồi trên đài sen. Sen còn biểu hiện của nhân- quả, bởi ở nó trong hoa đã có quả, tượng trưng cho phạm trù nhân quả của Phật pháp. Hoa cúc biểu hiện cho mặt trời và tinh tú, tượng trưng cho sức mạnh thiên nhiên đưa lại hạnh phúc cho con người.
Hình tượng rồng: Rồng được hình thành trong tâm thức người Việt từ thời nào, không ai rõ nhưng có thể rồng đã đi cùng đạo Phật vào nước ta rồi hội với con rắn chủ của nguồn nước mà dần thành rồng Việt với chức năng đề cao tôn sùng Phật đạo, từ đó cũng đồng nhất với tôn sùng pháp lực của rồng. Rồng biểu hiện của điềm lành, đồng thời gắn với sự thiêng liêng cao quý. Khi Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư để đi tìm nơi khác thì rồng vàng đã hiện ra để báo hiệu đất lành, từ đó mới sinh ra kinh đô Thăng Long đến nay đã hơn một nghìn năm tuổi. Rồng được trang trí nhiều trên kiến trúc, đồ thờ, hiện vật ở chùa với nhiều đề tài, mô típ khác nhau. ở mỗi giai đoạn lịch sử, con rồng trong di tích lại có những ý nghĩa khác nhau. Thời Lý, rồng gắn với vua cao sang quyền quý. Thời Trần, nhất là từ nửa sau thế kỷ XIV, rồng bắt đầu về với dân, mộc mạc, gần gũi hơn. Sang thời Lê Sơ, khi mà Nho giáo bắt đầu thịnh hành, rồng bị phân thành hai cấp: với vua là rồng 5 móng, còn gắn với thường dân là rồng 4 móng. Dù gắn với vua hay với dân thì từ lâu rồng đã trở thành vật linh thiêng, vừa là biểu hiện uy quyền vừa mang những ước mơ khát vọng của người xưa về nguồn nước, về mùa màng bội thu.
Về đề tài mang tín ngưỡng dân gian: Bên cạnh biểu tượng của Nho giáo (đề tài rồng), Phật giáo (lá đề, hoa sen, hoa cúc), đáng chú ý ở hai ô hình bầu dục tai khánh còn chạm đôi “linh thú”, một đực, một cái, thể hiện rõ tín ngưỡng phồn thực. Hình ảnh con thú con đón bầu sữa mẹ khiến ta liên tưởng tới tích chuyện về đức Phật. Khi tu khổ hạnh, Thích Ca không thành công, ngài bỏ xuống núi được cô gái chăn bò dâng sữa. Uống xong Ngài tắm rửa sạch sẽ thấy tỉnh táo mà ngồi thiền định rồi đạt được đạo chính đẳng chính giác (giác ngộ thành phật…). Qua câu chuyện trên, người xưa muốn nhắn nhủ các kiếp tu không nên lệ thuộc vào cách tu mà cần tập trung vào thiền định, nâng cao trí tuệ mà đi đến giác ngộ và giải thoát. Đó là một biểu hiện sâu sắc về ý nghĩa vô chấp của đạo Phật.
Nếu so với khánh đồng chùa Thiên Mụ, Huế, niên đại Vĩnh Trị thứ 2 (1677), khánh đá chùa Điều (Vũ Bản, Bình Lục), niên hiệu Chính Hòa 13 (1692), khánh đồng chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội) niên đại Cảnh Hưng 6 (1745), khánh đá chùa Tam Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) làm cuối thế kỷ XVII… thì khánh đá chùa Đồng Vũ niên đại Chính Hòa 25 (1704) là một trong những khánh đá có niên đại sớm còn tồn tại hiện nay.
Trang trí trên khánh thể hiện bức tranh sinh động kết hợp giữa nội dung và mỹ thuật trang trí. Tín ngưỡng dân gian đan xen giữa quyền uy thế lực đương thời với niềm khát khao cho sự phồn thịnh của Phật pháp trở thành quốc giáo, hồi tưởng sự thịnh trị của đạo Phật trên một vùng quê có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, nội dung của khánh còn là một trong những tư liệu quý cung cấp thông tin về địa danh, tình hình ruộng đất, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân đương thời rất cần được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/khanh-da-chua-dong-vu-101344.html