Khánh Hòa đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar
Tại Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên ngọn đồi Cù Lao bên hữu ngạn hạ lưu sông Cái thuộc địa phận phường Bắc Nha Trang (Khánh Hòa) tối nay (10/7), UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar theo quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Buổi lễ cũng đã công bố Quyết định số 1651/QĐ-BVHTTDL ngày 3/6/2025 của Bộ VHTT&DL về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”.
Đến dự lễ về phía Trung ương có đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cùng lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Cục Di sản Văn hóa của Bộ VHTT&DL và đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam, Thường trực Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn. Về phía địa phương có đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa.

Tháp Bà Ponagar. Ảnh: Sở VHTT&DLKH.
Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII - XIII, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979; Lễ hội Tháp Bà được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; đến nay Tháp Bà Ponagar còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đón nhân Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar. Ảnh: Văn Nỷ.
Di tích quốc gia đặc biệt này hàm chứa những giá trị tiêu biểu của hai dân tộc Chăm - Việt qua hình tượng nữ thần Ponagar cũng như tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm. Tất cả đều được duy trì, tiếp nối trong dòng chảy lịch sử và đã trở thành nơi thờ Thánh Mẫu Ana của đông đảo người dân các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Đại diện Bộ VHTT&DL trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, vùng đất Khánh Hòa còn được biết đến với tên gọi “Xứ trầm hương”, gắn liền hình tượng nữ thần Ponagar (Thiên Y A Na), được tôn vinh là thủy tổ của nghề khai thác trầm hương. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề gia công, chế tác sản phẩm mỹ nghệ, linh vật, đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật trầm hương được xoi từ cây dó bầu và các sản phẩm bột trầm, nhang trầm dùng để xông đốt trong các nghi lễ…Trong đó có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật từ trầm hương chất lượng cao, thu hút khách hàng trong và ngoài nước, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” với những tri thức dân gian đã và đang được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm qua.

Đông đảo người dân tham dự lễ hội. Ảnh: Văn Sửu
Trước phần lễ, người dân và du khách được thưởng thức đại hợp cảnh nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại mẹ xứ sở” do 120 diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng trình diễn. Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật “Tự hào di sản văn hóa nghìn năm” với những ca khúc “Lên tháp cầu an”, “Ponagar – huyền thoại”, “Xứ trầm” cùng các tiết mục múa “Trăng soi huyền tháp”, múa – hát – nghi lễ “Rija Nagar”, “Múa dâng hương” và hòa tấu nhạc “Múa vũ điệu Chăm”.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Khánh Hòa, sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar; công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa” là một trong những hoạt động của tỉnh chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Sự kiện này góp phần không chỉ vinh danh, mà còn góp phần đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc biệt tiêu biểu ở Khánh Hòa gắn với quảng bá những hình ảnh của vùng đất “Xứ trầm hương” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mũi nhọn kinh tế du lịch ở địa phương.