Khánh Sơn: Nỗ lực thực hiện giao khoán bảo vệ rừng
Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Khánh Sơn là một trong số ít địa phương của tỉnh thực hiện ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng thụ hưởng chính sách này.
Đầu tháng 11-2023, ông Bo Bo Thành Phố - hộ ĐBDTTS ở thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn) đã ký kết hợp đồng với UBND xã Thành Sơn để nhận khoán bảo vệ 14,04ha diện tích rừng tự nhiên tại lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 267 do UBND xã quản lý. Sau khi ký kết hợp đồng, ông Phố đã bắt tay ngay vào việc tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng như: Chặt phá rừng, đốt than, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật rừng trái phép tại khu vực rừng tự nhiên mà ông nhận khoán… “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào rẫy chuối 0,4ha, làm thuê, làm mướn nên khi Nhà nước có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng cho hộ ĐBDTTS tại địa phương với mức 400.000 đồng/ha/năm tôi đã đăng ký nhận khoán bảo vệ. Trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng, tôi còn được địa phương hướng dẫn, hỗ trợ để thực hiện tốt hơn. Ngoài gia đình tôi, đợt này còn có 10 hộ dân khác trong xã cũng ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ 174,75ha rừng”, ông Phố nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tại Khánh Sơn thời gian qua gặp một số khó khăn như: Diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện manh mún, đan xen giữa các loại diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên khó khăn cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ giao khoán. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán cho người dân đa phần ở đồi núi cao, xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn; người dân sợ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; định mức nhận khoán thấp… nên không mặn mà tham gia. Các địa phương phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần, các hộ mới đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, trong nỗ lực triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, các địa phương trên địa bàn huyện đã rà soát và xác định được trong giai đoạn 2022 - 2025 có 230.55ha rừng tự nhiên tại xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp đủ điều kiện để giao khoán bảo vệ rừng cho ĐBDTTS và người Kinh nghèo sinh sống ổn định ở các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Đến thời điểm này, cả 3 địa phương trên địa bàn đã tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 18 hộ dân. Ngoài xã Thành Sơn, có 6 hộ dân xã Ba Cụm Nam nhận khoán bảo vệ 31ha, 1 hộ dân ở thị trấn Tô Hạp nhận khoán bảo vệ 10,76ha.
Ngoài việc giao khoán bảo vệ diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý, những diện tích rừng tự nhiên thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý trên địa bàn huyện cũng được đơn vị này triển khai thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Đơn vị đã làm việc với UBND các xã, rà soát diện tích rừng đủ điều kiện giao khoán, đối tượng đủ điều kiện nhận khoán để thực hiện các hồ sơ thủ tục nhằm tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho người dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, đến thời điểm này, tại huyện Khánh Sơn có 201 hộ dân ở các xã: Thành Sơn, Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp đăng ký nhận khoán bảo vệ hơn 6.000ha rừng tự nhiên do đơn vị quản lý. Đơn vị chủ rừng đã xây dựng đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2023 - 2025 đối với nội dung hỗ trợ khoán bảo vệ rừng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó đơn vị sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập phương án giao khoán để tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho người dân trong năm 2024.
HẢI LĂNG