Khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La công suất 52.000 tấn/năm
Ngày 19/5, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Sơn La, nhằm phát huy lợi thế nông sản của tỉnh nói riêng, Tây Bắc nói chung.
Trung tâm chế biến rau quả Doveco được đặt tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, gồm tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại được xây dựng trên diện tích gần 9 ha, với tổng công suất máy móc là 52.000 tấn sản phẩm/năm. Toàn bộ hệ thống máy móc được sản xuất theo công nghệ của Italy, Nhật Bản và Trung Quốc.
Khi hoạt động hết công suất, Doveco Sơn La ước đạt doanh thu từ 1.800 - 2.000 tỷ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 150 - 200 tỷ đồng/năm. Đồng thời, trung tâm góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của các sản phẩm rau, quả tươi, rau quả chế biến của tỉnh Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung, không chỉ trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự kiện Trung tâm chế biến rau quả Doveco đi vào hoạt động đã hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác mới đây.
Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường bằng việc tăng cường hàm lượng công nghệ trong chế biến và sau thu hoạch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để Trung tâm Doveco hoạt động hiệu quả, cần có sự gắn kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm nguồn cung an toàn, liên tục cho nhà máy. Khuyến khích người nông dân tham gia và các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, hợp tác để chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng.
“Trong tương lai, Trung tâm Doveco không chỉ chế biến rau quả, mà còn là không gian kết nối, tri thức hóa nông dân hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, trách nhiệm và bền vững. Đề nghị Sơn La cần tiếp tục mở rộng tư duy, tìm kiếm không gian phát triển mới cho hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa tầng giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng, tỉnh cần quan tâm đến các giá trị tài nguyên bản địa, độc đáo, tích hợp bản sắc văn hóa vào từng nông sản và sản phẩm nông nghiệp để tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Doveco Sơn La là tiêu thụ tối đa nguyên liệu sẵn có của địa phương như xoài, ngô, nhãn, rau chân vịt, đậu tương rau và các loại rau quả khác, bảo đảm thị trường đầu ra bền vững cho rau quả Sơn La và vùng Tây Bắc.
Các dây chuyền của trung tâm khi hoạt động sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoàn thiện về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất trên toàn thế giới.
Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La cũng góp phần tạo ra vùng nguyên liệu hàng chục nghìn ha, áp dụng công nghệ cao, thay đổi tập quán canh tác của bà con từ phương thức truyền thống, thô sơ sang áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Từ đó góp phần thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Trung tâm cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán hàng, vận tải, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi đây.
Theo định hướng phát triển hiện nay, tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 83.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 362.000 tấn, giá trị các loại quả theo giá thị trường đạt 3.921 tỷ. Ngoài ra, tỉnh còn có 18.963 ha cà phê với sản lượng cà phê nhân đạt trên 29.600 tấn, giá trị cà phê nhân theo giá thị trường đạt 1.266 tỷ); 22.459 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.
Địa phương có 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan; 109 sản phẩm OCOP; 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 776 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.