Khánh Vĩnh phát triển kinh tế thế mạnh

Trong giai đoạn phát triển mới, huyện Khánh Vĩnh định hướng phát triển kinh tế kết hợp nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch, phát huy được thế mạnh, tiềm năng vị trí đường kết nối giao thông vận tải, tiềm năng nội lực, để trở thành huyện có sức hút, phát triển mạnh, đa dạng.

Một góc huyện Khánh Vĩnh từ trên cao.

Một góc huyện Khánh Vĩnh từ trên cao.

Phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

Thời gian qua, để thực hiện Chương trình hành động số 30 ngày 23-2-2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Khánh Vĩnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, những năm qua, huyện tiếp tục triển khai đối mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng năng suất lao động, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình Nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có các tiểu dự án như: thu hút đầu tư, chuỗi liên kết giá trị nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Huyện Khánh Vĩnh khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô tập trung lớn, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển 30 trang trại quy mô lớn (3 trang trại trồng trọt, 24 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại thủy sản, 1 trang trại dược liệu); phối hợp các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp gắn với thực hiện chứng nhận OCOP; triển khai thực hiện xây dựng 1 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ Bưởi da xanh và trên 30 dự án sinh kế cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao trở lên. Từ năm 2022 đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện vận động và hỗ trợ thành lập mới 7 hợp tác xã; trên địa bàn huyện hiện đã có 11 Hợp tác xã hoạt động và duy trì 23 tổ hợp tác với 246 thành viên.

Nhìn chung, kinh tế tập thế, hợp tác xã, tổ họp tác được duy trì hoạt động ổn định; thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác và người lao động trong các tổ chức kinh tế tập thể có chiều hướng gia tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển 3 vùng động lực về kinh tế

Vừa qua, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án Quy hoạch) vừa được UBND tỉnh phê duyệt đã phân vùng phát triển toàn huyện thành 3 tiểu vùng lớn làm động lực phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu Khánh Vĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và hướng đến đô thị loại IV, trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Theo đó, Tiểu vùng 1 là phía Đông Nam của huyện bao gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 5 xã: Khánh Nam, Cầu Bà, Khánh Thành, Sông Cầu, Khánh Phú. Tiểu vùng 1 được định hướng phát triển là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ của huyện Khánh Vĩnh; phát triển du lịch núi rừng, trung gian, đóng vai trò trung chuyển dịch vụ trung gian trên tuyến du lịch Nha Trang - Đà Lạt; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả theo mô hình nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch; khai thác lâm nghiệp kết hợp du lịch dưới tán rừng; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư; góp phần bảo tồn thiên nhiên một phần núi Hòn Bà: đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ, du lịch, ... tạo điều kiện phát triển của khu vực; bố trí bến xe khách cấp huyện; thị trấn Khánh Vĩnh đóng vai trò chủ đạo và là hạt nhân phát triển tiểu vùng.

Thu hoạch buởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh.

Thu hoạch buởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh.

Tiểu vùng 2 thuộc khu vực phía Bắc của huyện bao gồm 4 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung. Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp lúa nước, công nghiệp thủy điện lớn nhất huyện; đồng thời, là vùng khai thác tốt giá trị lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các ngành khai thác vật liệu xây dựng, chế biến lâm nghiệp, sản xuất đồ gỗ; phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư; khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên kết hợp với mô hình quản lý bền vững; đồng bộ hạ tầng cơ sở, dịch vụ, du lịch… tạo điều kiện phát triển của khu vực; xã Khánh Bình là hạt nhân phát triển chính của tiểu vùng.

Tiểu vùng 3 phía Tây Nam của huyện bao gồm 4 xã: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang. Định hướng phát triển là du lịch - dịch vụ, phát triển lâm nghiệp tập trung; đóng vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế vùng; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư, khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên kết hợp với mô hình quản lý bền vững: đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ, du lịch… tạo điều kiện phát triển của khu vực; bố trí bến xe khách cấp huyện; lấy trung tâm xã Liên Sang, Sơn Thái là hạt nhân phát triển chính của tiểu vùng.

Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, đồ án Quy hoạch huyện Khánh Vĩnh đã cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 318 ngày 29-3-2023; góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; văn hóa – xã hội phát triển lành mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng huyện Khánh Vĩnh giàu mạnh, văn minh.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202411/khanh-vinh-phat-trien-kinh-te-the-manh-29c5a10/