Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Bước tiến quan trọng trong cải cách và hiện đại hóa hệ thống Ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang từng bước đi vào cuộc sống, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải cách và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những quy định mới không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại, cải thiện xử lý nợ xấu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Về những điểm mới xung quanh Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024, PGS TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Theo ông, điểm đổi mới nổi bật nào nhất của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Có thể kể tới một số điểm mới của Luật như sau:
Thứ nhất, giảm tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của các cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%; giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó giảm từ 20% xuống 15%; Và đồng thời mở rộng đối tượng liên quan từ 3 lên 5 đối tượng. Chúng ta đều biết, trước đây chỉ có 3 đối tượng là bố mẹ, anh em, chị em và các con, tỷ lệ này là 20%. Nhưng thực chất, nếu như cộng thêm cả ông bà, nội ngoại, cô dì chú bác, cháu… thì nhóm này có thể lên đến 100%. Đây chính là kẽ hở dẫn đến vấn đề bất cập trong hoạt động ngân hàng mà chúng ta từng thấy qua những sự kiện vừa qua. Luật sửa đổi lần này ngăn ngừa được điều đó.
Thứ hai, để làm tăng tính minh bạch của hệ thống ngân hàng thì Luật mới đã quy định các cổ đông có tỷ lệ sở hữu từ 1% đều phải công bố thông tin.
Thứ ba, Luật quy định vấn đề không bắt buộc mua bảo hiểm khi vay vốn, điều này giúp đảm bảo quyền lợi cho người vay tiền khi mà họ không có nhu cầu mua bảo hiểm.
Thứ tư là việc hợp nhất giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng và giấy phép kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp (DN). Theo Luật (sửa đổi) mới, các tổ chức tín dụng muốn thành lập hay hoạt động thì chỉ cần thông qua NHNN, còn lại NHNN sẽ làm việc với các cơ quan khác liên quan đến giấy phép thành lập và hoạt động. Tôi tin rằng đây là bước cải tiến rất tốt, để giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ năm, trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) này, lần đầu tiên đã tạo ra cơ sở hành lang pháp lý cho các ngân hàng phát triển hoạt động dịch vụ trên phương tiện điện tử. Điều này giúp các ngân hàng có điều kiện phát triển mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ điện tử, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Có thể thấy trong Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này, có rất nhiều quy định mới về xử lý nợ xấu được đưa ra, vậy theo ông, những quy định mới này sẽ tác động như thế nào đến hiệu quả thu hồi nợ xấu tổ chức tín dụng trong thời gian tới?
Nợ xấu thực chất là những khoản nợ quá hạn thuộc nhóm 3, 4, 5 trong phân loại nợ của NHNN. Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời đã giúp cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD hiệu quả hơn. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này chính là luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 nêu trên. Trong Luật sửa đổi lần này, tôi thấy có nhiều điều khoản, quy định giúp tăng quyền lực cho các tổ chức tín dụng, nhất là trong vấn đề thu hồi, xử lý tài sản thế chấp liên quan đến khoản nợ xấu. Ví dụ như quy định về vấn đề được phép bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản là tài sản thế chấp, kể cả những dự án lớn mà có một phần đang còn vướng vấn đề pháp lý. Với những quy định mới đó sẽ giúp ngân hàng thương mại sẽ có thêm phương án để thu hồi tốt cho các tài sản của mình, qua đó giảm nợ xấu xuống.
Còn về phía người dân và doanh nghiệp, họ cũng sẽ có thêm cơ hội để sở hữu những dự án, những bất động sản mà các chủ sở hữu trước không đủ điều kiện để triển khai, góp phần phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế nói chung.
Theo ông, Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn?
Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này có nhiều cởi mở, ví dụ như về phía người dân, Luật có quy định là đơn giản hóa thủ tục cho vay với những món vay nhỏ và những món vay qua thẻ. Với những món vay này, người vay không cần phải minh chứng, không cần phải yêu cầu nộp dữ liệu về phương án sử dụng vốn khả thi.
Đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này có quy định về cơ cấu lại nợ, về giãn nợ và giảm lãi, rất quan trọng. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các khách hàng vay mà trong quá trình sử dụng vốn vay xuất hiện những rủi ro, khó khăn đột xuất.
Cụ thể nhất là trong thời gian vừa qua, nước ta trải qua đợt bão lũ đã ghi nhận 94.000 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng số là 165.000 tỷ đồng dư nợ, Thống đốc NHNN đã kịp thời chỉ đạo ngay thực hiện việc tái cơ cấu lại nợ với thời hạn tối đa 1 năm cho những đối tượng này thuộc 26 tỉnh, thành, đồng thời là cung cấp thêm các gói tín dụng mới. Điều này đã góp phần hỗ trợ rất quan trọng cho người dân và DN vượt qua khó khăn, vực dậy nền kinh tế.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có khá nhiều điểm mới nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, theo ông, đâu là điểm nhấn đáng lưu ý nhất?
Luật mới được sửa đổi theo hướng gia tăng, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, qua đó bảo đảm ổn định và phát triển của hệ thống tài chính nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng.
Điều này càng được thể hiện rõ trong Điều 188 của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, khi Ngân hàng phá sản thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng đánh giá lại và đề xuất phương án chi trả bảo hiểm tiền gửi cho những người gửi tiền với hạn mức tối đa lên đến 100%. Có thể nói đây là một biện pháp rất mạnh để giúp cho người có thể an tâm khi gửi tiền vào ngân hàng nếu như bản thân cảm thấy không đủ trình độ, không đủ kiến thức để tham gia các kênh đầu tư khác.
Từ Luật đến cuộc sống, theo ông, đâu là những điểm cần lưu ý để Luật mới được áp dụng một cách hiệu quả nhất ?
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống có hai nhóm đối tượng sẽ bị tác động ngay, đó là các tổ chức tín dụng và khách hàng là doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, về phía các tổ chức tín dụng, việc đầu tiên là phải rà soát lại toàn bộ quy trình nội bộ của mình để cập nhật lại những điểm mới và chuẩn hóa theo bộ quy định Luật mới, đồng thời cần phải tập huấn, đào tạo lại cán bộ để đáp ứng nội dung mới của Luật sửa đổi lần này. Và trong quá trình triển khai, nếu còn điểm nào còn chưa rõ, cần thêm những hướng dẫn cụ thể, cần phản hồi lại với đơn vị phát hành chính sách, để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn.
Còn về phía người dân, tôi cho rằng, để nâng cao nhận thức, cần tìm hiểu thêm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để xem Luật Các tổ chức tín dụng lần này nó thay đổi như thế nào, cái gì liên quan đến mình trước khi mình đi vay. Và trước khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn, khách hàng cần phải cẩn trọng, phải đọc thật kỹ, thật rõ tất cả điều khoản trong hợp đồng. Nội dung nào chưa rõ về tài sản thế chấp, chưa rõ liên quan đến xử lý tài sản thế chấp… thì phải hỏi cho rõ. Và khi đã đặt bút ký thì người vay phải tôn trọng hợp đồng, vay, sử dụng vốn vay đúng mục đích và phải trả nợ, cả lãi và gốc đúng hạn.
Để Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, việc đầu tiên tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thông tin một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để cho toàn dân được biết, đồng thời đưa ra hướng dẫn cụ thể để cá nhân, tổ chức vận hành, thực hiện.
Về phía người dân, cũng phải ý thức được rằng khi mình tham gia gửi tiền hay tham gia đi vay thì phải đọc kỹ, tìm hiểu để có hành vi ứng xử nghiêm túc với tài sản của mình. Còn các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải lắng nghe các phản hồi từ doanh nghiệp, người dân, các tổ chức tín dụng - vốn là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật mới, xem những ý kiến phản hồi đó như thế nào, những điều khoản ban hành trong Luật mới đã phù hợp, cụ thể chưa, có dễ thực hiện hay không, để dựa vào đó mà tiến hành chỉnh sửa trong những lần tiếp theo cho phù hợp và hiệu quả nhất.