Khảo sát ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập
Theo khảo sát ngân hàng thế giới, sau khi sinh con, khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết phải đi làm ít giờ hơn so với mong muốn (34%), thu nhập bị giảm (34%) hoặc mất việc (29%).
Sáng 10-4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045.

Ông Vũ Cương, Chuyên gia Ngân hàng thế giới trình bày khảo sát tại hội thảo sáng nay. Ảnh: NQ
Ông Vũ Cương, chuyên gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết khảo sát Ngân hàng thế giới được thực hiện trên 1.809 người mẹ có con nhỏ từ 3 tháng tới 72 tháng tuổi ở 4 tỉnh thành là Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP.HCM và An Giang.
Khảo sát thực hiện trên 200 cơ sở giáo dục mầm non; thực hiện 32 thảo luận nhóm với 241 cha mẹ có con mới sinh cho tới 6 tháng tuổi.
Phụ nữ tham gia phỏng vấn đều khẳng định trách nhiệm nuôi con nhỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phải giảm giờ làm, kiếm được thu nhập ít hơn, trong một số trường hợp bị mất việc.
Khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết phải đi làm ít giờ hơn so với mong muốn (34%) hoặc thu nhập bị giảm (34%) hoặc mất việc (29%). Gần 1/5 cho rằng họ bị bỏ lỡ cơ hội việc làm/thăng chức (17%), hoặc nâng cao trình độ kỹ năng (10%).
Trước thực tế trên, theo ông Cương nếu phụ huynh có thể sử dụng các dịch vụ giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu tốt hơn thì 1/4 người được hỏi cho rằng sẽ kiếm việc làm với thu nhập cao hơn. 1/5 cho rằng sẽ làm được nhiều giờ hơn và có thời gian đi học thêm.

Một giờ học của cô trò tại lớp mẫu giáo Gấu Anh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
75% người mẹ được hỏi cho biết sẵn lòng sử dụng dịch vụ giáo dục mầm non tại các trường mầm non; 53% cha mẹ có con 13 tháng đến 23 tháng tuổi cho biết nhu cầu gửi con tại các trường mầm non chưa được đáp ứng, tỉ lệ này là 80% với nhóm có con từ 3 tháng đến 12 tháng tuổi.
Khảo sát cho thấy tỉ lệ mong muốn được sử dụng các trường mầm non đặc biệt cao ở các bà mẹ thuộc nhóm nghèo nhất, nhập cư, sống gần khu công nghiệp, đang phải nhờ người thân chăm sóc con cái.
Cạnh đó, các trường công thường có chất lượng tổng thể tốt hơn trường tư, cơ sở độc lập tư thục. Nhưng kết quả cho thấy nhiều cha mẹ chấp nhận nhóm, lớp độc lập tư thục, trường tư do giờ trông trẻ linh hoạt, họ khó có thể chọn lựa các trường công có chất lượng tốt.
Trong khi đó, nhiều bằng chứng trong khảo sát của Ngân hàng thế giới cho thấy những hạn chế về không gian của các nhóm, lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, ảnh hưởng tới việc đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ.
Do đó, theo ông Cương, để tăng tác động của Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045 thì cần đảm bảo dịch vụ có chi phí hợp lý, cần tính đến việc ưu tiên hướng mục tiêu trợ cấp cho nhóm lớp độc lập tư thục như vậy cũng tạo ra kết quả phát triển công bằng hơn.
6 giải pháp thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Đến thời điểm này, chúng ta vẫn phải thẳng thắn thừa nhận đã chậm trễ trong việc ban hành đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, KCN.
Thực trạng bậc học này vô cùng phức tạp. Nếu không đánh giá đúng thực trạng không thể tham mưu chính sách. Các loại hình, tổ chức, đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý đa dạng. Sự dịch chuyển cũng nhiều.
Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, KCN giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045” khi được triển khai sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh ở khu đô thị, KCN có thu nhập thấp.
Để triển khai đề án sẽ có 6 nhóm giải pháp. Cụ thể:
Thứ nhất đa dạng loại hình, mô hình giáo dục mầm non phù hợp đặc thù địa bàn đô thị, KCN. Tại thời điểm này, các địa phương vẫn sẽ duy trì nhóm trẻ độc lập tư thục. Dù loại hình này không khuyến khích phát triển do tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nó đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Do đó, điều quan trọng các đơn vị phải quản lý, kiểm soát, đảm bảo các cơ sở giáo dục này đảm bảo tiêu chuẩn về đội ngũ cũng như cơ sở vật chất.
Thứ hai các đơn vị nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Cụ thể như biên soạn và số hóa tài liệu hướng dẫn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên..
Thứ ba, các đơn vị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị như chính sách thu hút đầu tư phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ đặc thù cho giáo viên, nhân viên.
Thứ tư, các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục
Thứ năm, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo và phối hợp liên ngành.
Cuối cùng các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông.