Khảo sát trình độ tiếng Anh của giáo viên

TPHCM sẽ thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh với hơn 47.000 giáo viên công lập từ ngày 23 - 29/4 nhằm có được bức tranh tổng thể về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng phù hợp

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã có văn bản gửi các trường học về kế hoạch hoạch khảo sát trình độ tiếng Anh của giáo viên trên địa bàn. Theo đó, tất cả giáo viên ở các trường công lập, từ tiểu học đến THPT làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (quận 7, TPHCM). Ảnh: NTCC

Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (quận 7, TPHCM). Ảnh: NTCC

Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các giáo viên của TPHCM. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho biết, ngay sau khi công bố kế hoạch khảo sát, một bộ phận giáo viên chưa hiểu rõ mục đích nên lo lắng sẽ bị đánh giá, xếp loại công việc hay xét thi đua. Thậm chí, một số thầy cô không dạy môn Tiếng Anh còn có ý định nhờ người làm thay.

Tuy nhiên, ông Minh khẳng định Sở không yêu cầu giáo viên phải ôn tập, ôn luyện hay dành nhiều thời gian. Thầy cô cứ vào link khảo sát và thực hiện. Thực hiện tới đâu thì nhận kết quả tới đó. Sở GDĐT không đánh giá kết quả của thầy cô, không đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật mà sử dụng làm cơ sở khoa học, phân tích hiện trạng trình độ tiếng Anh của giáo viên TPHCM đạt tới đâu từ đó tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đây cũng là nền tảng để ngành giáo dục xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Sở cũng cam kết bảo mật điểm số, chỉ cung cấp cho chính thầy cô và Ban chỉ đạo xây dựng các đề án giáo dục. Ngoài ra, Sở không dùng kết quả khảo sát để đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên dạy tiểu học đến THPT hiện phải có bằng đại học. Thông thường, để lấy bằng, người học cần đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu ở mức B1-B2 (trung cấp), theo khung tham chiếu châu Âu, tương đương 4.5 - 5.5 IELTS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng do trong thực tế giảng dạy trừ môn tiêng Anh còn các nội dung dạy học khác phần lớn không sử dụng tiếng Anh nên giáo viên cũng không có cơ hội sử dụng, dần dần bị mai một. Đó là chưa kể một bộ phận thầy cô giáo có tuổi đã dạy học nhiều năm, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để đạt tốt nghiệp đại học trước đây cũng chưa khắt khe như chuẩn đầu ra bây giờ. Chính vì vậy, việc khảo sát đối với toàn bộ giáo viên các môn học về trình độ ngoại ngữ sẽ có những bất ngờ.

Trước đó, nhiều địa phương cũng thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên tiếng Anh trong trường công lập như Hà Nội. Năm 2020, tất cả giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đã tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế IELTS để lấy kết quả phân lớp đào tạo. Mục tiêu khi đó là đến năm 2025, toàn ngành GDĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học có trình độ nghe nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.

Theo các chuyên gia, việc rà soát, bồi dưỡng giáo viên là cần thiết. Tuy nhiên, cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng với từng nhóm đối tượng như: giáo viên đã có các chứng chỉ quốc tế, giáo viên tiếng Anh, giáo viên không dạy các môn tiếng Anh để các thầy cô có sự chuẩn bị. Ngay cả những giáo viên đã đạt chuẩn cần được tập huấn về phương pháp giảng dạy. Thực tế, không phải giáo viên nào có trình độ cao cũng hướng dẫn tốt cho học sinh. Đặc biệt, những giáo viên nhiều tuổi do trước đây được đào tạo theo phương pháp cũ nên kiến thức tốt nhưng khả năng nghe, nói thường không tốt bằng thế hệ giáo viên trẻ sau này nên cần tiếp tục được đào tạo.

Song song với việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có năng lực tốt, cần tăng giờ học tiếng Anh để nâng trình độ của học sinh. Hiện TPHCM đã có 11 năm thí điểm dạy các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp, dần dần sẽ tiến tới những môn khó, phức tạp hơn như Khoa học xã hội nhưng phải có lộ trình từng bước, từng trường. Sở GDĐT TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu bộ tiêu chí, chọn một vài trường phù hợp để thí điểm mô hình dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Từ năm 2025, tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên sẽ có một bộ phận học sinh không chọn thi môn này. Nhưng với yêu cầu của thời đại, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường vẫn cần được đặc biệt quan tâm, duy trì một cách nghiêm túc.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khao-sat-trinh-do-tieng-anh-cua-giao-vien-10304311.html