Phát triển GD đến 2030, tầm nhìn đến 2045: Thay đổi tư duy đầu tư giáo dục

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu khá cao cho phát triển giáo dục đại học.

Thí sinh tìm hiểu ngành học qua kính thực tế ảo của Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Thái Sơn

Thí sinh tìm hiểu ngành học qua kính thực tế ảo của Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Thái Sơn

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này, cần loạt cơ chế chính sách để cơ sở giáo dục đại học thực sự là đơn vị sự nghiệp công lập đặc biệt.

Còn nhiều khó khăn

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, mục tiêu của Chính phủ là đúng đắn nhưng không phải trường nào cũng có thể áp dụng.

“Tự chủ mà thành công là bình thường, nhưng với trường tự chủ không thành công hoặc không dám tự chủ cần có giải pháp quyết liệt hơn, chẳng hạn như sáp nhập hay giải thể. Mong muốn lớn nhất với các trường đại học ở địa phương là được quan tâm, cấp đất, mở rộng quy mô, tạo không gian phát triển nhưng khá khó. Nếu không có không gian phát triển thì các trường mãi dậm chân tại chỗ”, ông Hoàn nói và nhấn mạnh, muốn tự chủ thành công phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách. Nếu để các trường tự “bơi” thì đến được thành công cần thời gian và quá trình lâu dài.

“Ví dụ, cần 1 - 2 trường trọng điểm quốc gia, thì phải đầu tư đến nơi đến chốn để đào tạo nguồn nhân lực tầm quốc tế mới mạnh lên được. Đầu tư dàn trải như hiện nay thì chưa thể hiệu quả”, ông Hoàn nhận định.

Phó Hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập tại TPHCM lại cho rằng, để triển khai tự chủ toàn diện mà không phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ ban đầu cho các trường trong quá trình chuyển đổi để giảm bớt gánh nặng và tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng cho việc thu hút tài trợ từ bên ngoài. Trong đó, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân sự quản lý tại các trường đại học để có đủ năng lực điều hành, quản lý tài chính và nhân sự một cách hiệu quả.

“Đặc biệt, việc thiết lập một hệ thống giám sát hiệu quả sẽ giúp các trường đánh giá được mức độ thành công của quá trình tự chủ, từ đó điều chỉnh chiến lược cho phù hợp để phát triển bền vững, hiệu quả hơn”, vị này chia sẻ.

Từ thực tế đơn vị, TS Trần Mạnh Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Bách Việt đề xuất, để tạo động lực phát triển, phải đẩy mạnh tự chủ ở các trường, từ đó, Nhà nước giảm bớt các khoản đầu tư dàn trải và tập trung hơn vào mục tiêu chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực.

“Phải đánh giá lại hoạt động của các trường, trường nào phát triển èo uột thì sáp nhập, kết thúc hoạt động hoặc cổ phần hóa chứ không thể phụ thuộc mãi vào ‘bầu sữa’ ngân sách. Với chủ trương lớn của Đảng hiện nay là sáp nhập các tỉnh, bộ ngành có chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau để giảm bớt ngân sách và chi phí thì với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc này cần thiết và dễ triển khai”, ông Thành đề xuất.

 Sinh viên HUTECH trong giờ thực hành ngành Kỹ thuật ô tô. Ảnh: HUTECH

Sinh viên HUTECH trong giờ thực hành ngành Kỹ thuật ô tô. Ảnh: HUTECH

Kinh nghiệm để phát triển

Kinh nghiệm để phát triển tự chủ toàn diện, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, có 4 mục tiêu trọng tâm trọng điểm các trường cần hướng tới.

Thứ nhất, phải thống nhất quan điểm chung là “cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người học”. Không phải khi tư vấn tuyển sinh là nói trên trời, dưới biển nhưng sinh viên đăng ký nhập học lại thất vọng. Như thế các trường sẽ thất bại. Phải đặt sinh viên là “khách hàng đặc biệt”, không thể lừa dối, cần cung cấp các dịch vụ, cam kết tốt nhất cho người học như học bổng, chính sách hỗ trợ, không gian học tập tốt… thì lúc đó mới tính đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ hai, lãnh đạo nhà trường phải quan tâm phát triển đội ngũ, vì không có đội ngũ tốt thì không thể làm gì. Chẳng hạn tạo môi trường tốt nhất cho nhà giáo, hoặc có chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích cán bộ giảng viên nâng cao trình độ, cam kết nâng cao thu nhập… Cán bộ giảng viên sống ở môi trường, địa bàn nào thì thu nhập phải sống tốt ở địa bàn đó, từ đó họ mới yên tâm công tác.

Mối quan tâm tiếp theo là cơ sở vật chất phải tốt. Khi đã cam kết với người học cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất nhưng nếu các trường không quan tâm đầu tư thì không ổn. Cuối cùng, yếu tố quyết định vẫn là ý chí của lãnh đạo nhà trường. “Nếu lãnh đạo không có ý chí, quyết tâm thì khó triển khai các giải pháp tự chủ”, ông Hoàn khẳng định.

Một số lãnh đạo trường đại học công lập tại TPHCM lại kiến nghị Chính phủ nên xem xét tăng cường ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học, với quy trình đánh giá và phân bổ kinh phí minh bạch, hiệu quả. Từ đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng và cơ bản trong các trường đại học. Đặc biệt, cần có cơ chế thuế ưu đãi cho các dự án hợp tác quốc tế, cũng như đơn giản hóa thủ tục pháp lý liên quan đến hợp tác giáo dục quốc tế để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Nhà nước cần có chính sách thuế giảm giá hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp khi tài trợ cho giáo dục và nghiên cứu, những hoạt động liên doanh của các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp.

Đặc biệt, tạo cơ chế để doanh nghiệp có thể đầu tư trực tiếp vào trường đại học thông qua việc mua cổ phần, tài trợ cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ các chương trình đào tạo liên quan đến nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nới lỏng quy định về sử dụng và quản lý tài sản công để các trường có thể dễ dàng hơn trong liên kết, hợp tác, kinh doanh sử dụng tài sản công một cách hiệu quả nhất.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng đề xuất bỏ thuế 2% đối với hoạt động giáo dục, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông Quỳnh, nếu khoản thuế đối với các hoạt động giáo dục được bỏ, các trường có thể giảm học phí, giảm các khoản phí liên quan như tài liệu học tập, dịch vụ đào tạo hoặc các chương trình ngắn hạn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trực tiếp cho sinh viên và phụ huynh.

Hơn nữa, các khoản tiết kiệm từ việc bỏ thuế được tái đầu tư vào giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và công nghệ, tạo ra môi trường học tập hiện đại. Đồng thời, các trường có thể tăng học bổng cho sinh viên xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn.

Với sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển bền vững, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính lên người học, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho mọi tầng lớp xã hội. - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-gd-den-2030-tam-nhin-den-2045-thay-doi-tu-duy-dau-tu-giao-duc-post726815.html