Khảo sát việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể tại huyện Hướng Hóa

Hôm nay 10/8, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức khảo sát việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt (huyện Hướng Hóa).

 Đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh trò chuyện với nghệ nhân đàn ta lư Hồ Thị Tâm thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập - Ảnh M.Đ

Đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh trò chuyện với nghệ nhân đàn ta lư Hồ Thị Tâm thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập - Ảnh M.Đ

Thời gian qua, 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập luôn chú trọng thực hiện giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn 2 xã đang lưu giữ nhiều làn điệu dân ca truyền thống như điệu Tà Oải; điệu Oát xà nớt…; một số lễ hội độc đáo như lễ cúng lúa mới, tục cưới truyền thống, lễ bỏ mả; lưu giữ nhiều nghề truyền thống như nghề đan lát, làm chổi đót, rượu cần… Bên cạnh đó, cả 2 xã đều có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, tham quan khám phá danh lam thắng cảnh hang động, thác nước đẹp như hang động Brai (xã Hướng Lập), thác Tà Puồng (xã Hướng Việt)…

Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, các lợi thế về hang động chưa được khai thác và phát huy hiệu quả; các làn điệu dân ca truyền thống của người đồng bào đang ngày càng mai một do nghệ nhân và những người am hiểu về làn điệu dân ca không còn nhiều; thế hệ trẻ không am hiểu và không có người truyền dạy.

Báo cáo đoàn khảo sát, lãnh đạo 2 xã kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân có điều kiện thuận lợi mở lớp dạy đàn, hát các làn điệu dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ; hỗ trợ cho địa phương khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái; khôi phục và phát huy các nghề truyền thống, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm truyền thống dệt, đan lát…

Quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa ở thôn, bản; có chính sách đào tạo và cơ chế đặc thù đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức các hoạt động văn hóa ở vùng sâu, vùng xa. Các lễ hội của địa phương dần bị mai một, vì vậy đề nghị cần cấp kinh phí để đầu tư, phục dựng lại một số lễ hội.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các địa phương để trình HĐND tỉnh; đồng thời trao đổi, góp ý một số vấn đề cần quan tâm nhiều hơn nữa như bên cạnh việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể cần lưu ý đến việc bài trừ các hủ tục. Tiếp tục quan tâm quản lý, bảo vệ các hang động, phát triển làng nghề truyền thống; khuyến khích, động viên các nghệ nhân truyền dạy đàn, hát làn điệu dân ca, làm đan lát… cho thế hệ trẻ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu địa phương.

Điều tra, sưu tầm, thống kê và tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao, qua đó tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, từng bước giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bài trừ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=169557&title=khao-sat-viec-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-vat-the-phi-vat-the-tai-huyen-huong-hoa