Khe hở quản lý trong sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng
Thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, những 'khe hở' trong công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay khiến các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được bán tràn lan… từ đó dẫn đến những rủi ro cho sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thị trường vàng thau lẫn lộn
Vừa qua, trang thông tin của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã phát cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Lehutra-curcumin, Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Xmpow12… gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Các sản phẩm này được quảng cáo có tác dụng bổ thận tráng dương, chữa yếu sinh lý, các bệnh lý về xương khớp, viêm gan…
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử phạt nhiều cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo ‘thổi phồng’ công dụng thực phẩm chức năng. Dù cơ quan chức năng đã liên tiếp xử lý các đối tượng vi phạm nhưng nhiều vụ việc tương tự liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn cứ xảy ra, điều này đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý.
Trao đổi với KTSG Online, PGS. TS. Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, kiêm Chủ tịch Hội dược học TPHCM, cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân không ngừng tăng cao khiến thị trường kinh doanh sản phẩm này luôn sôi động. Lợi dụng điều này, hàng loạt các loại thực phẩm chức năng ra đời, số lượng tăng nhanh chóng khiến người mua không biết đâu là thật đâu là giả.
Sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online (trực tuyến), đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới… là một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
“Hiện nước ta còn thiếu những quy định làm sao để quản lý hình thức mua bán online. Bởi giờ đây, bất cứ ai cũng có thể đưa mặt hàng thực phẩm chức năng lên các trang mạng xã hội hoặc tạo website để mua bán. Việc kinh doanh dễ dàng trên các trang mạng xã hội khiến khách hàng gặp 50% rủi ro mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng”, bà Lan nói và cho rằng với hình thức kinh doanh này, người bán không cần công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý các cơ sở kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thời gian kiểm tra lâu hơn.
Về cách thanh tra hiện nay, Chủ tịch Hội dược học TPHCM cho rằng đoàn thanh tra chỉ đến kiểm tra ở những cơ sở được cấp phép. Trường hợp chủ doanh nghiệp cất giữ các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng tại một địa điểm khác (nghĩa là không để hàng ở cơ sở được cấp phép) thì việc kiểm tra cũng trở nên khó khăn. Đáng nói hơn, các loại thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ nên vẫn chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hiện nay, công tác thanh tra thường theo kế hoạch. Bà Lan cho biết trong một năm, đơn vị thanh tra sẽ lập danh sách các doanh nghiệp cần thanh, kiểm tra; sau đó gửi lên thanh tra thành phố để kiểm tra liệu có bị trùng lặp với các đơn vị khác hay không. Cuối cùng, đơn vị thanh tra mới bắt đầu đi xuống doanh nghiệp.
Do đó, đối với công tác thanh tra, bà Lan cho rằng cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất và thanh tra theo thông tin. Thanh tra như vậy mới có sức răn đe. “Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng phải luôn ‘treo lơ lửng’ trên đầu về việc thanh tra có thể đến bất cứ lúc nào. Như vậy, doanh nghiệp mới sợ và không làm bậy. Nếu biết trước đoàn thanh tra sẽ đến theo kế hoạch, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ có tâm lý buông thả chất lượng sản phẩm”, bà Lan nói.
Cần tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt như thuốc
Theo Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn, chuyên gia về dược học, từng có thời gian dài nghiên cứu tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg ở Đức, về bản chất, thực phẩm chức năng là một loại sản phẩm tốt cho sức khỏe nếu như con người biết sử dụng đúng cách, hợp lý. Tuy nhiên, người dân không được xem thực phẩm chức năng là thuốc để điều trị bệnh, mà các sản phẩm này chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất… Việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng.
Ông Sơn cũng cho rằng với những loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; đặc biệt thực phẩm chức năng phải được sản xuất theo tiêu chuẩn như thuốc. Cùng với đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cập nhật những kiến thức trước khi sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe.
Để giải quyết tình trạng bát nháo thị trường thực phẩm chức năng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, kiêm Chủ tịch Hội dược học TPHCM, cho biết đã đến lúc phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của thực phẩm chức năng cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Cụ thể là theo Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật an toàn thực phẩm, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn GMP (Good manufacturing practices). Điều này có nghĩa thực phẩm chức năng phải được sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như thuốc. Các doanh nghiệp muốn thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường, phải tuân thủ theo quy định.
Không chỉ thực hiện đúng Nghị định 15, bà Lan cho hay các cơ quan chức năng cũng như khẩn trương bổ sung những quy định pháp luật riêng để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan thực phẩm chức năng mới có thể bảo vệ người tiêu dùng. Thực phẩm chức năng cũng phải kiểm soát chặt chẽ về giá cả, quảng cáo, chỉ định… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; tuyệt đối không được dễ dãi và thỏa hiệp với doanh nghiệp trước vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe của người dân.
Để chống hàng giả, kém chất lượng hiệu quả hơn, Chủ tịch Hội dược học TPHCM cho biết các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cần sớm đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, truy vết sản phẩm. Điều này giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển (logistics) cho đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.
Về việc quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc hoặc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành như thần dược, sai sự thật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, luật sư Bùi Thị Lệ Hằng, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết theo Điều 6 Luật dược năm 2016 quy định, việc quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận là hành vi bị nghiêm cấm. Theo Điều 34 của Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đối với một trong các hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, luật sự Hằng cho biết.Đặc biệt, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về tội quảng cáo gian dối. Theo đó, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.