Khi áo dài truyền thống trở lại đời sống hiện đại
Nhằm hướng tới kỷ niệm 280 năm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo năm thân làm trang phục cho người dân khu vực Đàng Trong (1744 - 2024), đồng thời kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Đình làng Việt (2014 - 2024), CLB Đình làng Việt phối hợp với Nxb Thế Giới đã giới thiệu tới công chúng ấn phẩm 'Áo dài truyền thống: Hành trình trở lại'.
Ấn phẩm là tập hợp hơn 50 bài viết từ các tác giả hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, đều có tình yêu với di sản trang phục của tiền nhân để lại.
Nghĩ về “quốc phục”
Trong bài viết Nghĩ về bộ quốc phục cho nam giới được in trong ấn phẩm, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã nhận định trang phục là một biểu hiện của văn hóa. Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người trên thế giới có một đặc điểm riêng về trang phục. Nhìn vào trang phục, người ta có thể phân biệt người đang mặc nó là người nước nào.
Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm và có nền văn hóa lâu đời. Chúng ta thường tự hào có được bản sắc dân tộc. Nó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có trang phục truyền thống.
Tác phẩm Áo dài truyền thống: Hành trình trở lại do CLB Đình làng Việt phối hợp với Nxb Thế Giới ấn hành.
Cho đến hiện nay, mặc đồ Tây đi làm là một nhu cầu rất thực tế đối với mọi người trong xã hội. Nhưng đó là y phục ăn mặc thường ngày. Còn trong các dịp Tết, lễ thì sao? Điều đáng quan tâm nhất là trang phục của nam giới trong các cuộc hội họp quốc tế và trong các nghi thức ngoại giao. Trong các dịp đại diện của nhiều nước tham dự, nếu tất cả đều mặc cùng một loại trang phục như Âu phục, thì quả thật là “thế giới đại đồng”. Nhưng cũng trong một số cuộc họp mặt quốc tế như thế, đại diện các nước chỉ sử dụng quốc phục của riêng họ.
Trong trường hợp này, đại diện thuộc nam giới Việt Nam đương nhiên cũng phải mặc quốc phục để chứng tỏ dân tộc mình vốn có văn hóa mặc truyền thống riêng. Mặc quốc phục trong trường hợp này là nhằm bày tỏ thái độ tự tôn dân tộc.
Thế nhưng, ta vẫn đang loay hoay đi tìm cái gọi là quốc phục. Có một sự thật lịch sử rằng, từ năm 1826 đến năm 1837, Vua Minh Mạng đã kiên trì thực hiện việc thống nhất trang phục trên phạm vi cả nước, bằng các chỉ dụ qua các năm 1826, 1827, 1837. Từ đó, áo ngũ thân dần dần thay thế các loại trang phục ở Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành quốc phục trang trọng của người Việt (dẫn bài viết Diện mạo Áo ngũ thân Huế và người đề xuất Chúa Nguyễn Phúc Khoát thay đổi trang phục của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa).
Chưa dám nói đến “quốc phục”, thậm chí tới trang phục truyền thống cũng là cái gì đó không dễ dàng để tìm lại nó. Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ, trong một dịp chuẩn bị trang phục cho Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều người làm văn hóa còn gặp khúc mắc trong việc tìm trang phục truyền thống để thực hành nghi lễ. Ông mới ra phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm) để tìm may một chiếc áo dài, và giới thiệu lại cho những người làm văn hóa lúc bấy giờ.
Hành trình trở lại của áo ngũ thân
Về tên gọi Áo dài truyền thống: Hành trình trở về của ấn phẩm, TS. Trần Đoàn Lâm, cố vấn CLB Đình làng Việt, chia sẻ do nhà văn Lê Xuân Khoa gợi ý. Các thành viên trong ban biên tập ấn phẩm rất tâm đắc với tên gọi này. Bởi áo dài truyền thống (ngũ thân) vẫn tồn tại ở đấy. Nhưng đó là sự tồn tại chưa quá sôi nổi và chỉ trong một bộ phận nhất định. Như trong phong tục ở nhiều thôn làng, khi các cụ cao niên ra đình làm lễ vẫn phải mặc áo dài, áo tấc để tế. Cũng có khi, tà áo này có vinh hạnh xuất hiện trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh có tính chất lịch sử.
Tuy nhiên, trong không ít tác phẩm, những tà áo lịch sử ấy được các nhà thiết kế cải tiến theo ý tưởng sáng tạo của mình, khiến nó vô tình bị bóp méo. May ra, trong một số phim như Tắt đèn, Làng Vũ Đại ngày ấy, hay Đến hẹn lại lên,… còn lưu giữ được hình ảnh chiếc áo dài truyền thống.
Tiếc rằng, lâu nay, không ít người vẫn mang trong mình định kiến áo ngũ thân bị gắn với hình ảnh của xã hội phong kiến, sự lạc hậu, bảo thủ, đáng bị phế bỏ. Tuy nhiên, cũng giống như đình, đền, chùa, ban thờ gia tiên, những phong tục vào dịp lễ Tết, áo ngũ thân cũng là một thành tố trong văn hóa truyền thống. Và như vậy, nền văn hóa không có căn cốt truyền thống sẽ không tồn tại được trên đời.
Vì thế, TS. Trần Đoàn Lâm xem hành trình trở lại của áo ngũ thân không chỉ đơn giản là việc nhiều người lựa chọn mặc lại trang phục này sau một thời gian dài không xuất hiện rộng rãi, mà còn là quá trình tái nhận thức trong cộng đồng về những giá trị truyền thống. Để từ đó phục hưng và lan rộng trong xã hội đương đại, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Hành trình trở lại cũng gợi cho mỗi thành viên lâu năm trong CLB Đình làng Việt, trong đó có TS. Trần Đoàn Lâm nhớ về hành trình phục dựng lại tà áo của cha ông này. Ban đầu, mỗi thành viên cũng rất đắn đo khi phục dựng lại áo dài, không biết rằng có khiến cho công chúng hiểu lầm đây là tà áo gắn với tàn dư phong kiến. Và nếu vẫn còn bị hiểu lầm thì thì có nên tiếp tục phục dựng lại hay không.
Thấu hiểu được điều đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng khẳng định: “Hành trình trở lại với áo ngũ thân là một hành trình không hề dễ dàng”.
Nuôi dưỡng niềm tự hào văn hóa xiêm áo ngày càng lớn mạnh
Thật may mắn khi nhờ những nỗ lực không ngừng sức ảnh hưởng của mạng xã hội, không chỉ có các bạn trẻ, mà nhiều người ở độ tuổi trung niên, cao niên cũng hưởng ứng mạnh mẽ trang phục áo ngũ thân truyền thống. TS. Nguyễn Xuân Nguyên tràn đầy niềm tự hào khi diện trang phục truyền thống của người Việt khi tới thăm Pháp, Luxembourg, Italia,...
Trong bài viết Tôi may áo ngũ thân, ông còn kể thêm, khi máy bay hạ cánh xuống châu Âu vào đêm Giáng sinh năm 2022, nhân viên hải quan đã rất tò mò và hỏi trang phục ông mặc trên người là của quốc gia nào. Ông rất tự hào, “khoe” với nhân viên ấy đây là áo “năm mảnh” (dịch từ tiếng Anh: five pieces) của người Việt Nam. Vì áo ngũ thân được may từ 5 mảnh ghép lại, nên ông tìm một từ có nghĩa tương đương trong tiếng Anh để giải thích cho nhân viên hải quan. Chẳng cần phải trưng diện khi đến những sự kiện quốc tế với quy mô lớn, chỉ một hành động nhỏ của ông Nguyễn Xuân Nguyên đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về tình yêu, niềm tự hào văn hóa của người dân Việt Nam.
Niềm tự hào về văn hóa, trong đó là văn hóa y phục, có thể nói đã chảy trong dòng máu người Việt Nam từ ngàn đời. Nhà văn Hoàng Quốc Hải bồi hồi nhắc lại câu chuyện lịch sử, khi bị bắt ở Trung Hoa, võ quan Lê Quýnh (1750 – 1805) dám dõng dạc tuyên bố: “Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế, bì khả tước, phục bất khả dịch dã” (tức là có thể chém đầu ta, chứ tóc không thể cắt, có thể lột da ta, nhưng y phục không thể đổi). Sau khi bị bắt, ông không chịu cạo đầu và thay lối y phục giống với nhà Thanh, khiến cho giới sĩ phu Trung Hoa bấy giờ hết sức khâm phục. Lê Quýnh để lại khá nhiều tác phẩm có giá trị sử liệu và văn chương, trong đó quan trọng nhất là Bắc hành được ký (tập hợp những ghi chép khi sang đất Bắc)...
Bằng tình yêu và tâm huyết của những người yêu và trân trọng văn hóa truyền thống, áo ngũ thân và những giá trị văn hóa, lịch sử gắn với tà áo này sẽ tiếp tục được lan rộng hơn nữa trong cộng đồng. Đặc biệt hơn, lan tỏa rộng rãi của tà áo này “gắn kết dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, và gieo trồng tinh thần tự tôn và yêu nước” (trích lời của bà Stella Ciorra, người Vương quốc Anh, Chủ tịch Hội Những người bạn Di sản Việt Nam).