Khi cán bộ Đoàn tăng cường đi cơ sở

Đi cơ sở giúp cán bộ Đoàn nắm bắt được tình hình thanh niên, phong trào thanh thiếu nhi, từ đó tham mưu tổ chức những hoạt động sát với nhu cầu của thanh niên, nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung (giữa) trò chuyện với cán bộ, đoàn viên, thanh niên để nắm bắt tình hình hoạt động Đoàn tại cơ sở. Ảnh:N.Sơn

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung (giữa) trò chuyện với cán bộ, đoàn viên, thanh niên để nắm bắt tình hình hoạt động Đoàn tại cơ sở. Ảnh:N.Sơn

Từ nhiều năm nay, Tỉnh đoàn và Đoàn cấp huyện trong tỉnh luôn duy trì các hoạt động đi cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đi cơ sở bằng nhiều hình thức

Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nguyễn Hiếu Trung cho biết, chủ trương mỗi cán bộ Đoàn đi cơ sở ít nhất 2 tháng/năm (gọi tắt là chủ trương 1+2) được triển khai từ nhiệm kỳ 2017-2022 và tiếp tục được triển khai trong nhiệm kỳ này. Việc đi cơ sở được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: phối hợp tổ chức, triển khai hoạt động tại cơ sở; kiểm tra, giám sát; dự sinh hoạt chi đoàn…

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, để tạo điều kiện cho cán bộ, chuyên viên có nhiều thời gian ở cơ sở, trước mỗi hoạt động, Tỉnh đoàn tổ chức cho cán bộ, chuyên viên xuống cơ sở trước một ngày. Việc này vừa giúp công tác chuẩn bị tổ chức hoạt động được chu đáo, vừa giúp cán bộ, chuyên viên có cơ hội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cán bộ Đoàn ở cơ sở.

Phó bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN HIẾU TRUNG cho biết, để thực hiện tốt chủ trương 1+2, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc đi cơ sở cả về số lượng và chất lượng để có chấn chỉnh. Ảnh:N.Sơn

5 năm làm việc tại Tỉnh đoàn, chị Mai Anh Thoa (chuyên viên Ban Phong trào Tỉnh đoàn) không nhớ nổi số lần về cơ sở tổ chức hoạt động. Chị Thoa chia sẻ, việc đưa hoạt động về cơ sở không chỉ đem lại cơ hội tham gia hoạt động cho đoàn viên, thanh niên ở nơi đó, mà còn là cơ hội để cán bộ Đoàn gặp gỡ, giao lưu, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội. Trong quá trình cùng chuẩn bị cho một sự kiện, cán bộ, chuyên viên Tỉnh đoàn sẽ biết được thực tế cán bộ Đoàn cơ sở còn thiếu kỹ năng gì và có sự hướng dẫn để cán bộ Đoàn cơ sở hoàn thiện. Đây cũng là cơ sở để Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh đưa vào nội dung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hàng năm cho cán bộ Đoàn, Hội cơ sở.

Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn có thể đăng ký đi cơ sở bằng hình thức đi học tập thực tế tại cơ sở (tùy tình hình nhiệm vụ). Thời gian đi học tập thực tế là một tháng. Trong thời gian này, cá nhân đi cơ sở sẽ nắm bắt tình hình hoạt động Đoàn ở cơ sở; hỗ trợ cơ sở thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; đồng thời, hướng dẫn thêm nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn cơ sở…

Dù đi cơ sở bằng hình thức nào, trong thời gian dài hay ngắn cũng là cơ hội để cán bộ Đoàn rèn luyện, bồi dưỡng và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công tác Đoàn tại cơ sở.

Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn

Thực hiện quy chế đi cơ sở, trong tháng 6 này, Thường trực Tỉnh đoàn sẽ đi cơ sở tại 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Cẩm Mỹ. Trong chương trình, Thường trực Tỉnh đoàn sẽ dự sinh hoạt, làm việc với bí thư, phó bí thư chi đoàn và Đoàn cơ sở một số xã và huyện đoàn. Thông qua việc đi cơ sở lần này, Thường trực Tỉnh đoàn muốn nắm bắt tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2024. Dịp này, Thường trực Tỉnh đoàn sẽ tham quan một số mô hình, công trình, phần việc thanh niên tiêu biểu tại địa phương.

Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung, tham gia sinh hoạt chi đoàn, làm việc với bí thư, phó bí thư chi đoàn, Đoàn cơ sở… là việc được Tỉnh đoàn duy trì thường xuyên. Qua tham dự sinh hoạt chi đoàn, làm việc với bí thư, phó bí thư chi đoàn ấp, Đoàn cơ sở ở một số đơn vị, Tỉnh đoàn nhận thấy: ở một số chi đoàn, việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn không đảm bảo, nội dung sinh hoạt chi đoàn chưa theo hướng dẫn.

Từ thực tế này, Tỉnh đoàn đã có sự định hướng lại đối với các chi đoàn; đồng thời, chỉ đạo Đoàn cơ sở thường xuyên theo dõi, hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chi đoàn cho đúng quy định.

Bên cạnh đó, những tồn tại, khó khăn của cơ sở cũng được Tỉnh đoàn nắm bắt và giải quyết kịp thời. Chẳng hạn như từ thực tế đội ngũ bí thư chi đoàn ấp, khu phố thường xuyên thay đổi làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động Đoàn, Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình Bí thư chi đoàn là đảng viên. Thực hiện mô hình này, Đoàn cơ sở tham mưu cấp ủy vận động, bố trí đảng viên trẻ đang công tác tại địa phương làm bí thư chi đoàn ấp, khu phố. Đến nay, nhiều ấp, khu phố bố trí bí thư chi đoàn là đảng viên, những bí thư chi đoàn ấp, khu phố chưa là đảng viên đều được định hướng phấn đấu vào Đảng. Việc này góp phần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi đoàn ấp, khu phố.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/khi-can-bo-doan-tang-cuong-di-co-so-0525e9a/