Khi cổ đông chạm đúng 'nỗi đau' của doanh nghiệp

Nhìn thẳng vào những mảng kinh doanh yếu kém, những khó khăn để tháo gỡ là cách mà doanh nghiệp đang đi.

Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong năm qua, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xây lắp.

Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong năm qua, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xây lắp.

Chất vấn về lợi nhuận

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã SHE), cổ đông đã chất vấn chủ tọa vì sao năm nay Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn so với mức thực hiện trong năm ngoái (năm 2024, SHE đặt mục tiêu lãi 15 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lãi 17,89 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SHE nói: “Đây chính là nỗi đau của doanh nghiệp. Chúng tôi đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận thận trọng hơn vì nhìn thấy tình hình khó khăn. Hơn nữa, năm vừa qua, Công ty đã không đạt mục tiêu kinh doanh, năm nay nếu không đạt nữa sẽ rất khó ăn nói với cổ đông”.

Theo lãnh đạo SHE, năm 2023, SHE không hoàn thành kế hoạch kinh doanh vì nhiều lý do khách quan, như nền kinh tế gặp khó khăn, dẫn đến sức mua của thị trường bị giảm, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, doanh thu của các ngành hàng.

Ngoài ra, tỷ giá tăng, lãi suất tăng, dẫn đến chi phí tài chính tăng, lợi nhuận giảm. Năm nay, dù thị trường còn nhiều thách thức, nhưng Công ty nỗ lực để đạt kế hoạch, đồng thời sẽ sáp nhập Công ty Ống thép SSP để mở rộng dư địa tăng trưởng.

Lợi nhuận cũng là chủ đề được nhiều cổ đông quan tâm và chất vấn lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) tại đại hội cổ đông thường niên 2024. Năm nay, Công ty tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng dù trước đó đã có nhiều lần đặt mục tiêu cao nhưng kết quả thực hiện chỉ khiêm tốn.

Cụ thể, năm 2024, DIC Corp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.300 tỷ đồng, tăng 72% so với thực hiện của năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 1.010 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với thực hiện năm 2023. Do đó, cổ đông đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm nay, đâu là căn cứ để Công ty đạt chỉ tiêu lợi nhuận như đề ra.

Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng giám đốc DIC Corp cho biết, Ban điều hành đã làm số liệu rất kỹ để bảo vệ trước Hội đồng quản trị trước khi trình đại hội đồng cổ đông. Lợi nhuận dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng dựa trên kế hoạch kinh doanh và hạch toán từ việc chuyển nhượng sản phẩm tại các dự án (Khu đô thị ST Đại Phước, Khu nhà ở Lam Hạ CenterPoint, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu dân cư thương mại Vị Thanh, Khu dân cư Hiệp Phước và Chung cư Vũng Tàu Gateway).

“Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý có tiến triển, Công ty đã nỗ lực giải quyết các thủ tục pháp lý trong quý I và quý II/2024, làm cơ sở hạch toán các chỉ tiêu vào 6 tháng cuối năm để đảm bảo kết quả 1.000 tỷ đồng như báo cáo tại Đại hội”, lãnh đạo DIG chia sẻ với cổ đông.

Nỗi niềm cổ tức

Trong khi cổ đông nhiều công ty vui mừng với mức cổ tức cao (cả tiền mặt và cổ phiếu), thì tại không ít doanh nghiệp, cổ đông vẫn ngóng trông cổ tức đến mỏi mòn. Công ty cổ phần SJ Group (mã SJS) đã thông qua việc lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 và 2017 với tổng tỷ lệ 20% bằng tiền từ ngày 30/6/2023 sang thời điểm 31/12/2024.

Đây là lần thứ 9 Công ty trì hoãn thanh toán cổ tức 2016 và lần thứ 5 trì hoãn trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Lý do đưa ra vẫn “quen thuộc”: do tình hình tài chính còn khó khăn, Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Tổng cộng cổ đông SJ Group đã chờ đợi gần 7 năm, song cổ tức vẫn chưa thể về tay.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) có 9 năm liền chưa chia cổ tức. Trả lời thắc mắc của cổ đông vì sao ngân hàng có lợi nhuận tốt mà không chia cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, Ngân hàng phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% mới đủ điều kiện chia cổ tức.

Lần gần nhất Sacombank trả cổ tức là ngày 16/10/2015 (thực hiện chia trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ chi trả 12%).

Không trả cổ tức cho cổ đông cũng là một vấn đề được chất vấn tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Fecon (mã FCN).

Đại hội năm 2023 diễn ra vào tháng 4/2023, Fecon đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 5%, nhưng đến tháng 10/2023, Công ty thông báo phải chờ đến quý I/2024 mới có thể thanh toán cổ tức năm 2022. Việc chậm trễ chia cổ tức đến từ diễn biến kinh doanh của Fecon năm 2023 gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 2/2024, Fecon tiếp tục thay đổi việc trả cổ tức, sẽ không thực hiện trả một lần mà chia làm 2 đợt, lần lượt vào ngày 29/3/2024 (thanh toán tỷ lệ 1%) và tháng 12/2024 (thanh toán 4% còn lại).

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chậm thực hiện chi trả cổ tức, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fecon cho biết, năm 2023, Công ty mang về lợi nhuận gộp tốt, vì tập trung các dự án cốt lõi.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại âm do chi phí tài chính quá lớn. Fecon đầu tư vào một số danh mục tài chính và chưa thoái vốn được, trong khi dòng tiền đầu tư vay từ ngân hàng nhiều. Bên cạnh đó, Công ty còn gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ tại các công trình xây dựng.

“Tiền lãi đều phải mang đi trả ngân hàng. Lợi nhuận âm và dòng tiền khó khăn nên Công ty không sẵn sàng nguồn tiền trả cổ tức. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng như đã công bố, trả nốt cổ tức vào quý IV/2024. Hy vọng từ năm 2025, tình hình khởi sắc trở lại, Công ty sẽ không phải nợ cổ tức nữa”, ông Khoa nói.

Năm nay, Fecon đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ ở mức 60 tỷ đồng. Chủ tịch Fecon thừa nhận, các hợp đồng lớn đều ký vào thời điểm thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, do đó, lợi nhuận tạo ra từ công tác thi công không có nhiều.

Không riêng Fecon, mà nhiều nhà thầu xây lắp dù không có lợi nhuận tốt, nhưng vẫn làm để duy trì công việc, giữ việc làm cho công nhân.

Trả lời tại sao có những dự án biết là khó có lợi nhuận tốt doanh nghiệp vẫn làm, ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 (mã G36) cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà thầu biết lỗ vẫn làm vì muốn duy trì năng lực làm việc liên tục. Có những dự án yêu cầu năng lực nhà thầu có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, nếu không làm sẽ không có đủ điều kiện để dự thầu.

“Giá đầu vào tăng cao trong thời gian vài năm gần đây sau dịch Covid-19, đặc biệt là giá thép, bê tông, vật liệu hoàn thiện… Trong khi giá đầu ra đối với các hợp đồng theo đơn giá trọn gói và cố định, đối với loại hợp đồng đầu ra theo đơn giá điều chỉnh được tính theo chỉ số giá tiêu dùng thì ở mức rất thấp, không theo kịp giá biến động thực tế của thị trường tại thời điểm thi công”, ông Thuận giải thích thêm về câu chuyện biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp nhà thầu thấp.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-co-dong-cham-dung-noi-dau-cua-doanh-nghiep-post347387.html