Khi cơ hội của học sinh đến từ... túi tiền phụ huynh!
Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ này 'đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương' (1).
Thông tin này dường như mâu thuẫn với chính phát biểu của ngài bộ trưởng được báo chí dẫn lại rằng đề nghị TP.HCM đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng nhân tài, phải đặt yêu cầu lớn hơn các tỉnh thành khác, bồi dưỡng từ bậc phổ thông đến bồi dưỡng nhân lực mang tính chiến lược của thành phố. Trong khi đó thì có thể tính đến mô hình trường năng khiếu, trường đặc biệt. Thành phố vừa quan tâm đến giáo dục đại trà, song cũng cần quan tâm đến giáo dục mũi nhọn, chuẩn bị nhu cầu nhân lực.
Bằng việc thiết kế bộ lọc kim tiền, liệu sẽ có nhiêu học trò nảy sinh tâm lý ỉ lại nhờ gia thế? Liệu sẽ có bao nhiêu học trò tích lũy thành tích học tập xuất sắc bị loại bỏ bởi gia đình có hoàn cảnh khó khăn? Liệu sẽ có bao nhiêu học trò bị xói mòn ý chí phấn đấu khi biết rằng bất chấp nỗ lực học tập của các em, cánh cửa trường công mở ra tùy thuộc vào túi tiền của cha mẹ mình. Liệu sẽ có bao nhiêu tiềm lực quốc gia bị thui chột từ trứng nước vì gia đình không đủ tiền đóng học phí cao, nhất là trong bối cảnh tiết kiệm của nhiều gia đình bị bào mòn trong suốt hai năm dịch bệnh?
Năm 2005, lần đầu tiên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) được Sở GD-ĐT TP.HCM lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Ảnh: Báo Thanh Niên
Từ khía cạnh pháp lý, chủ trương thương mại hóa trường công chất lượng tốt còn có dấu hiệu vi phạm quyền Hiến định, cũng như một số quy phạm pháp luật liên quan quy định tại Luật Giáo dục 2019, Luật Trẻ em 2016. “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội” được khẳng định tại Điều 16 khoản 2 Hiến pháp 2013. Kế thừa quyền Hiến định này, Điều 13 khoản 1 Luật Giáo dục 2019 nêu: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”. Điều 5 khoản 2 Luật trẻ em 2016 quy định: “Không phân biệt đối xử với trẻ em”.
Xây bức tường tài chính cách ly trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khỏi trường công chất lượng cao còn làm biến dạng ý nghĩa của giáo dục phổ thông công lập. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, giáo dục là hàng hóa có ngoại tác tích cực (positive externality), trở thành cơ sở để nhà nước có trách nhiệm can thiệp, tạo điều kiện để trẻ em bình đẳng về cơ hội tiếp cận. Mặt khác, học tập không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ của trẻ em (Điều 39 Hiến pháp 2013). Như vậy, giáo dục phổ thông công lập còn là công cụ để nhà nước “cưỡng bức” giáo dục.
Cách nay 16 năm, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát biểu đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương. Khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu (Điều 4 khoản 1 Luật Giáo dục 2019) là cơ sở để ngài bộ trưởng nhìn lên Hội trường Diên Hồng, đề nghị Quốc hội tăng chi ngân sách hợp lý, thay vì nhìn xuống túi tiền của nhân dân, trong đó có không ít người ở phân tầng thu nhập cấp thấp. Bởi điều đó vừa bất công, vừa bất nhẫn.
Anh Khuê
______________
(1) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-gd-de-xuat-tp-hcm-cung-bo-thi-diem-de-an-truong-cong-thu-hoc-phi-cao-post226070.gd