Khi công trình nghiên cứu kết hợp với sự bay bổng của trí tưởng tượng
Làm thế nào để một luận án nghiên cứu về một đề tài lịch sử lại trở thành một cuốn truyện tranh với những giải thích hết sức thú vị về ngôn ngữ chúng ta đang dùng: chữ Quốc ngữ tiếng Việt? Đó là hành trình đầy gian nan nhưng cũng hết sức hấp dẫn về cuốn truyện tranh bán hư cấu 'Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' mà tác giả Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long rất hào hứng chia sẻ với bạn đọc.
“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” là cuốn sách tranh bán hư cấu, dựa trên sự kiện lịch sử nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes sử dụng hệ chữ cái Latin để ghi lại ngôn ngữ của người Việt, sau này trở thành chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng. Sách được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023.
Tác giả Phạm Thị Kiều Ly là một nhà nghiên cứu, hiện đang làm việc tại Khoa Các khoa học liên ngành Đại học Quốc gia Hà Nội. Để có được chất liệu cho cuốn “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”, chị đã trải qua một hành trình dài đi tìm tài liệu trong các văn khố ở Lisbon, Vatican, Roma, Madrid, Avila, Lyon, Hà Nội với mong muốn phác thảo một cách trọn vẹn nhất đề tài luận án Tiến sĩ của mình mang tên “Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latin tiếng Việt”.
Chị đã bảo vệ thành công đề tài này tại Đại học Sorbonne (Paris) năm 2018, sau đó hoàn thiện và xuất bản thành sách với tiêu đề “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1919”, do Nhà xuất bản Les Indes saventes ấn hành.
Tạ Huy Long là họa sĩ quen thuộc của Nhà xuất bản Kim Đồng, tên tuổi anh gắn liền với nhiều ấn phẩm được đầu tư công phu về mặt hình ảnh, đặc biệt là các tác phẩm văn học cổ được làm mới lại với phần minh họa kỳ công, mà bản thân mỗi bức tranh đã như một tác phẩm nghệ thuật độc lập.
"Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.
Nội dung cuốn sách dựa vào luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919) tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018, sau đó được hiệu chỉnh và in thành sách năm 2022, tại Nhà xuất bản Les Indes Savantes, Pháp; cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai.
Ở dự án này, họa sĩ Tạ Huy Long song hành cùng tác giả Phạm Thị Kiều Ly để cho ra một tác phẩm gắn với lịch sử, nhưng vẫn có sự bay bổng của trí tưởng tượng, dễ đọc, dễ tiếp cận với bạn đọc trẻ. Đó cũng chính là thử thách đối với ê-kíp làm nên cuốn sách.
Bật mí về chặng đường làm “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”, tác giả Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ, ban đầu bản thảo hoàn toàn khác với cuốn sách hiện tại. “Bản thảo ban đầu tôi viết hoàn toàn không liên quan đến cuốn truyện tranh. Tôi tiếc những dữ liệu mình khai thác được trong luận án nên đưa gần như tất cả vào. Và đương nhiên là một khối lượng chữ nhiều như vậy không thể phù hợp với một cuốn truyện tranh. Và khoảng 7-8 bản thảo đã ra đời và lần lượt phải sửa liên tục. Đây là một hành trình gian nan đối với tôi nhưng cũng rất hạnh phúc”.
Phạm Thị Kiều Ly cho biết, khó khăn lớn nhất đối với chị chính là làm sao để vượt qua chính mình, trong việc… cắt bớt bản thảo. Nghe thì khó tin, nhưng một văn bản mang tính chất nghiên cứu dày dặn, sâu, mà phải chuyển tải thành một câu chuyện ngắn gọn, dễ tiếp cận bạn đọc đã khó, ở đây lại còn phải chuyển thành các bóng thoại, với những câu thoại ngắn, súc tích còn khó hơn.
“Tôi cảm thấy rất tiếc khi phải gạt bỏ công sức của mình, nhưng tôi hiểu rằng mỗi người phải hy sinh một chút để hoàn thành tác phẩm”. Và chị nhấn mạnh: “Viết sách cho trẻ em là niềm vui vô cùng lớn, vì tôi được sáng tạo”.
Đối với họa sĩ Tạ Huy Long, anh cho biết mình rất hứng thú khi làm việc với những tác phẩm lịch sử. “Các tác phẩm lịch sử có những khoảng mờ nhất định, và những khoảng mờ đó là mảnh đất cho chúng tôi sáng tạo. Tôi luôn tò mò về đời sống người Việt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, người phương Tây có nhiều tác động mạnh tới mọi mặt đời sống tôn giáo, kinh tế, chính trị…”.
Họa sĩ chia sẻ, anh hứng thú với những tác phẩm có tính thực tế, vừa có sự lấp lánh của ngôn ngữ, vừa có vẻ đẹp của câu chuyện, và truyện tranh có thể biểu đạt được mong muốn này.
Truyện tranh với anh như làm một bộ phim, với các khung hình ảnh, mà ở đó anh tự lựa chọn bối cảnh, tông màu, tự casting nhân vật. “Truyện tranh là một dòng chảy bằng chữ và hình, tôi vui vì có cảm giác được tạo ra một “bộ phim”, và quan trọng hơn, giải phóng được tâm tư của mình”, họa sĩ cho biết.
Màu sắc - với tôi là cảm xúc của câu chuyện, không hẳn nương theo những gì thực tế mô tả. Tôi đã rất cân nhắc khi chọn 2 màu và chỉ 2 màu thôi với sắc độ đậm nhạt từ chúng. Màu xanh cây già - màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia - màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng. Đơn giản như vậy!
Họa sĩ Tạ Huy Long
Họa sĩ Tạ Huy Long cũng cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện cuốn sách là làm sao chuyển tải được một công trình nghiên cứu công phu trở thành một sản phẩm ít chữ, nhiều tranh, lại có những bóng thoại, tức là phải sáng tạo ra những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật trong sách, đó chính là khoảng mờ của lịch sử mà các tác giả phải tạo dựng, nhưng phải hợp lý và theo đúng dòng chảy lịch sử.
Tuy nhiên, tác giả Phạm Thị Kiều Ly cũng cho biết, chính những khoảng mờ đó cũng khiến cho các tác giả đưa được cảm xúc vào cho nhân vật, điều không thể có được ở một cuốn sách nghiên cứu.
Những cuốn sách lịch sử không khô khan, cứng nhắc mà gần gũi với bạn đọc trẻ hiện nay đang là một trong những hướng đi của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nhiều đầu sách lịch sử về các thời kỳ, như sách về các anh hùng dân tộc, về các sự kiện, nhân vật lịch sử…, được thể hiện ngắn gọn, hấp dẫn, hoặc kết hợp với tranh minh họa bắt mắt đang là cách mà Kim Đồng lựa chọn để tiếp cận, thu hút sự chú ý của bạn đọc trẻ. Và đó cũng là cách để bạn đọc nhỏ tuổi gần gũi và hứng thú hơn với môn lịch sử trong trường học.