Khi đầu tàu rơi vào suy thoái, Eurozone quay cuồng với lạm phát cao
Lạm phát đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, với việc người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng như thực phẩm và quần áo. Viễn cảnh cho phần còn lại của năm không sáng sủa hơn nhiều.
Đức chính thức suy thoái kỹ thuật
Ngày 25/5, dữ liệu từ Văn phòng thống kê Đức (Destatis) cho thấy, nền kinh tế Đức đã suy giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2023 và chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Đức đã giảm 0,3% trong quý I/2023 so với 3 tháng trước đó.
Số liệu hôm nay là bước lùi với Đức. Tháng 1/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tin tưởng, nước này không rơi vào suy thoái, dù giá năng lượng và lương thực tăng vọt vì xung đột tại Ukraine.
Chủ tịch Destatis Ruth Brand cho biết, "đầu tàu" châu Âu đã sụt giảm 0,5% trong quý IV/2022, như vậy, tăng trưởng kinh tế Đức đã sụt giảm hai quý liên tiếp. Suy thoái thường được định nghĩa là sự suy giảm của GDP thực trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm.
Destatis thông tin, lạm phát tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức trong quý đầu năm 2023. Điều này được phản ánh trong tiêu dùng hộ gia đình, giảm 1,2% trong quý I, sau khi điều chỉnh giá và theo mùa.
Người tiêu dùng chứng kiến lạm phát cao làm xói mòn sức mua, từ đó, giảm nhu cầu trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống mức 7,2% (được ghi nhận vào tháng 4/2023) nhưng đây vẫn là một con số tương đối cao.
Trong quý I, các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ nội thất so với quý trước. Họ cũng mua ít ô tô mới hơn, có thể là do chính phủ ngừng trợ cấp vào cuối năm 2022.
Song song, chi tiêu của chính phủ cũng giảm trong ba tháng đầu năm.
Đã có một tia sáng khi nhắc đến đầu tư. Lĩnh vực đầu tư tăng nhờ sự phục hồi tạm thời của lĩnh vực xây dựng trong điều kiện thời tiết ấm áp bất thường.
Nhận định về kết quả tăng trưởng ba tháng đầu năm, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Công ty tư vấn Capital Economics nói: "Việc GDP giảm 0,3% so với quý trước phù hợp với kỳ vọng vào bởi Đức bị ảnh hưởng bởi cả lạm phát cao và lãi suất tăng".
Viễn cảnh âm u
Phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, Đức chịu tác động mạnh sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Một mùa Đông ôn hòa ở Đức đã giúp nước này tránh các kịch bản tồi tệ nhất có thể tàn phá nền kinh tế vì thiếu khí đốt.
Cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất tại quốc gia này xảy ra khi đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, khiến chính phủ phải đóng cửa toàn bộ các lĩnh vực kinh tế để chống dịch.
Số liệu GDP mới nhất nêu bật những khó khăn kinh tế, trong đó, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa yếu.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING nhận định: "Thời gian tới, Đức phải đối mặt với vấn đề sức mua, lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm, tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên và suy giảm của kinh tế Mỹ".
Khu vực đồng Euro ảnh hưởng thế nào?
Nền kinh tế suy thoái kỹ thuật và triển vọng ảm đạm của Đức là tin xấu đối với toàn bộ Khu vực đồng Euro (Eurozone). Hệ lụy rõ ràng nhất là sự điều chỉnh giảm GDP trong quý đầu tiên năm 2023 của khu vực này.
Nhà kinh tế Kenningham dự đoán, GDP của khu vực đạt 0% trong quý đầu tiên năm 2023, giảm từ mức 0,1%. Khối này sẽ tránh được suy thoái kỹ thuật.
Hiện tại, Eurozone cũng đang quay cuồng với lạm phát cao và lãi suất tăng mạnh. Vấn đề này đang siết chặt tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh. Lĩnh vực sản xuất cũng đang phải vật lộn với số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.
Tình hình kinh tế vẫn tồi tệ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất để giảm nhu cầu nhằm hạ giá. Lạm phát ở Eurozone ở mức 7% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.