Khi điện ảnh tìm đến văn học

Giới làm phim ngày càng tìm đến văn học như một nguồn kịch bản giàu tiềm năng. Xu hướng này không chỉ mở ra cơ hội khai thác chất liệu giàu chiều sâu cho điện ảnh mà còn góp phần nâng cao giá trị của việc đọc sách.

“Vỉa quặng” để điện ảnh khai thác

Thời gian gần đây, không ít tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành phim và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. “Lặng yên dưới vực sâu” - bộ phim thành công về đề tài dân tộc thiểu số cũng được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… Đặc biệt, những năm gần đây, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục tạo hiệu ứng mạnh mẽ cả về cảm xúc lẫn doanh thu.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Văn Học cho rằng, văn học là “vỉa quặng” giàu tiềm năng cho điện ảnh khai thác. Bởi tác phẩm văn học hoàn toàn có thể chinh phục các nhà biên kịch, nhà làm phim với cốt truyện hay. Thực tế, cả quốc tế và Việt Nam đều có những bộ phim được công chúng rất quan tâm khi được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Có thể thấy, thời gian qua, các nhà biên kịch đã chịu khó tìm tòi những tác phẩm văn học để gây dựng cho chúng một đời sống khác - đời sống trên phim.

Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC

Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC

“Nhiều tác phẩm văn học đã hay rồi, khi được điện ảnh “chắp cánh” lại có thêm nhiều bạn đọc. Cũng không ít tác phẩm văn học, khi chưa được chuyển thể thành phim cũng chỉ được đánh giá bình thường, thế nhưng khi các nhà làm phim quan tâm, tạo dựng một đời sống khác cho tác phẩm, thì lại được đón đọc, chia sẻ nhiều hơn. Đó là thành công rồi” - nhà văn Nguyễn Văn Học nói.

Còn theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, văn học vốn không chỉ là “vỉa quặng” để điện ảnh khai thác, mà còn là điểm tựa cho điện ảnh, khởi đầu cho việc hình thành mọi câu chuyện kể trên phim. Thực tế đã chứng minh, các kịch bản điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học thường có độ vững chắc hơn nhiều với những sáng tác tự thân của điện ảnh.

Nhiều thất bại

Tuy vậy, bên cạnh những thành công vang dội, không ít bộ phim chuyển thể lại thất bại ngay từ khi vừa ra rạp. Một số tác phẩm dù dựa trên chất liệu văn học giàu chiều sâu vẫn không đáp ứng kỳ vọng của khán giả do kịch bản rời rạc, diễn xuất thiếu thuyết phục hoặc xử lý hình ảnh, nhịp phim chưa phù hợp.

Phim “Cậu Vàng” của đạo diễn Trần Vũ Thủy là một ví dụ khi khán giả phản ứng mạnh mẽ trước việc chọn giống chó Shiba Inu làm "bạn" của Lão Hạc, cùng với kịch bản rối rắm và cách kể chuyện thiếu sức sống. Tương tự, “Đất rừng phương Nam” (2023), dù đạt doanh thu 140 tỷ đồng, nhưng lại vấp phải nhiều chỉ trích về trang phục, diễn biến phim sai lệch so với nguyên tác và không đúng lịch sử.

Cảnh trong phim “Lặng yên dưới vực sâu”. Ảnh: ĐPCC

Cảnh trong phim “Lặng yên dưới vực sâu”. Ảnh: ĐPCC

Hay như bộ phim “Kiều” do Mai Thu Huyền đạo diễn khi ra mắt khán giả đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng phim thất bại vì nội dung không hấp dẫn, xa rời gu thưởng thức của đại chúng. Tuy nhiên trước những chê bai thậm chí là “ném đá” thì cũng có những ý kiến cho rằng, khi xem một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học, cần sự công tâm của công chúng với tinh thần thoát khỏi cái bóng một tác phẩm văn học.

Nhà văn Phụng Thiên nhận định, thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học đã đạt được những thành công nhất định, cho thấy tiềm năng lớn của dòng phim này. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng điện ảnh Việt vẫn đối mặt với không ít thách thức khi đưa văn học lên màn ảnh. Và rào cản đầu tiên, đáng tiếc thay, lại đến từ chính những người làm phim.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì cho rằng, khó khăn lớn nhất khi chuyển thể tác phẩm văn học thành phim chính là sự hiểu biết về thực tế trong nguyên tác của người chuyển thể có thể không bằng với tác giả, cũng như cảm xúc không đồng đẳng. Điều đó mang đến cách nhìn không chuẩn chỉnh, hoặc bỏ mất những điểm chính yếu của nguyên tác, chạy theo những chi tiết vụn vặt mà quên mất tinh thần cốt tử mà ta hay gọi là triết lý của tác phẩm. Chuyện này cũng từng khiến nhiều tác giả nguyên tác không hài lòng khi thấy tác phẩm của mình lên phim.

Chìa khóa để thành công

Có thể nói, các nhà làm phim phải đối mặt với áp lực lớn khi lựa chọn tác phẩm văn học, vừa giữ được tinh thần nguyên tác, vừa sáng tạo ra một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.

Từ góc nhìn của người viết, nhà văn Nguyễn Văn Học cho rằng, khi đã chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản, dựng thành phim, thì nhà làm phim đã cho tác phẩm văn học thêm một đời sống, đó là đời sống phim ảnh. Những năm qua, có không ít ý kiến cho rằng, nhà làm phim có thể sáng tạo, không nhất thiết phải quá tuân thủ nguyên tác, miễn là đừng bóp méo sự thật, lịch sử, sự kiện văn hóa.

“Là một người sáng tác văn học, với tôi, nếu tác phẩm được dựng thành phim, các nhà làm phim có thể thỏa sức sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh, nhưng nên giữ được hồn cốt của tác phẩm. Thực ra, điện ảnh có thế mạnh của nó, nếu “bê nguyên xi” tác phẩm văn học lên phim, có thể sẽ thiếu tính hấp dẫn. Song nếu nhà làm phim, bằng tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân, bắc thêm nhịp cầu cho tác phẩm văn học đến với công chúng, thì tôi tin họ sẽ biết phải làm gì”- nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Còn theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể tự nó (nếu làm tốt) đã có căn cốt khá vững chắc rồi. Người ta thường chỉ chuyển thể những tác phẩm và tác giả đã đứng vững trên văn đàn. Tuy nhiên khi đã thành phim thì tác phẩm điện ảnh nên được nhìn nhận là độc lập với nguyên tác, do những chọn lựa hình ảnh, tình huống mang đậm những yếu tố điện ảnh.

“Sự thành công của phim chuyển thể nằm ở thao tác chọn lựa tình huống của nguyên tác. Chọn trúng thì phim hay. Nó cũng phụ thuộc một phần ở ấn tượng do diễn viên tạo nên. Ấn tượng nhân vật trong nguyên tác đã in đậm trong ký ức khán giả, khi trên phim thấy hình tượng ấy bị sứt mẻ thì khán giả sẽ thất vọng là điều đương nhiên”- nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, việc chọn một tác phẩm văn học giàu yếu tố điện ảnh sẽ giúp tăng khả năng thành công cho phim chuyển thể. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các nhà làm phim cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và sâu sắc bối cảnh lịch sử của tác phẩm gốc. Khi không phải là người trực tiếp sáng tạo nên câu chuyện, đạo diễn càng cần chú trọng đến việc tái hiện chính xác không gian, thời đại - từ phục trang, đạo cụ, bối cảnh đến tác phong, lối sống và hành vi của nhân vật. Đây là những yếu tố then chốt góp phần tạo nên tính thuyết phục và chiều sâu văn hóa cho một bộ phim chuyển thể.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-dien-anh-tim-den-van-hoc-10305401.html