Khi gặp vướng mắc, các doanh nghiệp FDI có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh

Trước đây, khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc ở bất kỳ khâu nào gặp lãnh đạo Sở rất khó. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh đề tìm ra các phương án tháo gỡ, miễn là đầu tư nghiêm túc.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Trong Diễn đàn Xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) 2024, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức cao, khoảng 6% - 7%. Giai đoạn trước COVID-19 là 7,02%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong giai đoạn 2 năm 2020 - 2021, GDP giảm mạnh xuống còn 2,91% và 2,58%.

 Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: VV)

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: VV)

“Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Năm 2022 ghi nhận mức tăng GDP là 8,02%, năm 2023 là 5,05%. Đây là những con số thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục tích cực, trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa và FDI là những “điểm sáng” lớn của nền kinh tế Việt Nam. Riêng FDI, trong năm 2023 tổng số vốn tăng 62%, số dự án cũng tăng 56%.

Trong đó, Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và năng lượng tái tạo. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Châu Âu đều đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết: Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ, tại Nhật Bản, hàng năm đều có các đánh giá về môi trường đầu tư tại 50 quốc gia trên thế giới.

Trong nghiên cứu này, hiện Việt Nam đang đứng thứ nhất trong khu vực châu Á và đứng thứ 2 trên toàn thế giới về môi trường đầu tư. Tương tự, các doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Cũng theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, bên cạnh Nhật Bản, thì Hàn Quốc cũng là một trong số các đối tác thương mại trong khu vực châu Á đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại có dòng vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc có quyết định đầu tư vào Việt Nam rất nhanh. Ví dụ như Samsung, trong 5 năm đầu tư tại Việt Nam đã rót khoảng 20 tỷ USD và hiện đã lên 22 tỷ USD. Doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch tiếp một số dự án lớn tại Việt Nam”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp đi theo, trong đó có 22 Tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc.

“Lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc đi nước ngoài mà có nhiều tập đoàn lớn trong chuyến đi đó nhiều đến như vậy. Bình thường, Chủ tịch một Tập đoàn lớn đi thì tạo ra sự chú ý, vậy mà có tận 22 lãnh đạo của các Tập đoàn lớn đã cùng Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều nỗ lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Nhờ đó, các doanh nghiệp nước ngoài mới đánh gia cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Đơn cử, Việt Nam đã và đang tập trung việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển điện, đặc biệt là điện tái tạo. Việt Nam cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong logistic. Việt nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục, giấy phép con,....

“Trước đây, khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc ở bất kỳ khâu nào gặp lãnh đạo Sở rất khó. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy sẵn sàng gặp doanh nghiệp để tìm ra các phương án tháo gỡ khó khăn, miễn là đầu tư nghiêm túc. Với những nỗ lực đó, các doanh nghiệp FDI ngày càng đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Trưởng ban Tổ chức sự kiện cho biết, Việt Nam có độ mở lớn, chính trị ổn định đang hướng tới phát triển bền vững và trở thành một nước công nghiệp hiện đại và đang chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất trong lĩnh vực công nghệ cao, AI và bán dẫn.

 Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Chủ tịch HĐQT Công ty xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Chủ tịch HĐQT Công ty xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng chung, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu,... Đài Loan (Trung Quốc) cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

“Trong khi đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm thì năm 2023 đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam vẫn đạt con số trên 2,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2022. Những con số này cho thấy đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế tăng trong những năm tới”, ông Chung nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-gap-vuong-mac-cac-doanh-nghiep-fdi-co-the-doi-thoai-truc-tiep-voi-lanh-dao-tinh-post291065.html