Khi hạ tầng 'yếu kém' là lực cản…

Là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời là 'vựa lúa' của Việt Nam, thế nhưng, hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long chưa thực sự phát triển, thậm chí có thể coi là 'nghèo nàn'. Điều này đang cản trở kinh tế 'vùng đất chín rồng' bứt phá.

Khát vọng “Đất 9 rồng”

Được xem là vựa lúa lớn nhất cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn đang là “chiếc áo chật chội” khiến kinh tế của cả vùng khó có thể bứt phá, phát triển. Loạt bài “Khát vọng đất 9 rồng” dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể về việc nhận định, tháo gỡ các khó khăn, thách thức cho vùng đất giàu tiềm năng phát triển này.

“Chiếc áo quá chật chội”

Trong báo cáo thường niên về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc trường chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ đường quốc lộ rất thấp, tổng chiều dài đường quốc lộ khoảng 2.650km, chỉ chiếm 10,9% tổng chiều dài đường Quốc lộ của cả nước.

Chất lượng đường Quốc lộ ở khu vực này cũng bị liệt vào danh sách kém, đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ nhỉnh hơn vùng Bắc Trung Bộ và thua cả miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Vào năm 2016, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực này giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng, chỉ chiếm 12,2% cả nước. Sang giai đoạn 2016-2020, số vốn thậm chỉ còn giảm, chỉ hơn 65.000 tỷ đồng, chiếm 15,5% cả nước. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhận định: Việc đầu tư như trên được xem là hạn chế, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm chưa hình thành, nhất là các trục kết nối giữa khu vực trên với TP.HCM còn nhiều điểm nghẽn.

Tương tự, những yếu kém về hạ tầng giao thông vùng còn bộc lộ ở hiện trạng đường cao tốc. Cả vùng chỉ có 6,7% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước, chỉ nhỉnh hơn Tây Nguyên, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của Đồng bằng sông Cửu Long cho cả nước.

Với đặc trưng nhiều sông ngòi, kênh rạch, thế nhưng, giao thông đường thủy nội địa lại thiếu đầu tư trầm trọng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có một cảng biển thực thụ.

TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ dù đã có quyết định phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa được triển khai.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung đầu tư hạ tầng đường bộ tại khu vực, còn các tuyến đường sắt sẽ đưa vào quy hoạch sau 2050.

Một trong những điểm nhấn của giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, đó là Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đi qua tỉnh Tiền Giang - Long An. Cao tốc này có tổng chiều dài 61,9km, được khởi công từ tháng 12/2004. Sau 5 năm thi công, đến thời điểm tháng 2/2010, dự án được thông xe và đi vào khai thác.

Mới đây nhất, vào đầu năm 2022, người dân thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đón nhận thêm tin vui khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công và nhiều lần phải tạm dừng vì nhiều lý do.

Dù vậy, những “điểm nhấn” hiếm hoi về mạng lưới giao thông kể trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của một vùng kinh tế năng động bậc nhất Việt Nam. Nhiều người ví von, với cơ sở hạ tầng giao thông “nghèo nàn” đang là “chiếc áo chật chội”, khiến kinh tế của cả “vùng đất chín rồng” khó có thể bứt phá. Bởi vì, việc đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế thì việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch sẽ đều rất khó khăn, từ đó kéo theo kinh tế - xã hội đều ít có cơ hội phát triển.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông vào Đồng bằng sông Cửu Long

Trên thực tế, câu chuyện Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cơ sở hạ tầng giao thông đã được nêu ra ở nhiều phiên họp Quốc hội, Chính phủ và cả các thế hệ lãnh đạo của Bộ Giao thông - Vận tải. Đây cũng là vấn đề “nóng” được rất nhiều người dân trong khu vực quan tâm.

Nhìn ra được vấn đề, các cơ quan ban ngành đã có chủ trương phát triển nhiều tuyến đường quan trọng tại vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ, nhằm kết nối kinh tế của cả vùng.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long kết cấu hạ tầng sẽ là bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. Trong đó, Chính phủ đang rất chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường thủy nội địa và tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiết lộ: Đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng đất này dự kiến khoảng 460.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để hoàn thành một số công trình trọng điểm, các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến cao tốc còn lại theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và quy hoạch được duyệt.

Trong đó, các dự án đang thi công như cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tổng số vốn cả 2 dự án này gần 10.000 tỷ đồng. Đây là hai công trình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2030, nối thông đường cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729km các đoạn đi qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Trong đó, có 109km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang kiến nghị Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 dự án đường cao tốc, đó là cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực này còn có thêm dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Về đường thủy, Đồng bằng sông Cửu Long nâng cấp các tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, tuyến sông Hàm Luông, tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa các cảng thủy nội địa theo quy hoạch được duyệt.

Trong chuyến công tác tại Cần Thơ vào cuối tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại Đồng bằng sông Cửu Long. Quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.

Theo kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

“Chúng ta tin tưởng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước. Mặc dù tiềm năng kinh tế được đánh giá cao, tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này lại chưa thực sự phát triển so với các khu vực khác trên cả nước.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-ha-tang-yeu-kem-la-luc-can-post244286.html