Khi hút thuốc điều gì xảy ra với cơ thể

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi và các bệnh về răng miệng trên thế giới hiện nay. Điển hình, những người hút thuốc lá sẽ dễ mắc các bệnh về răng miệng như: hôi miệng, viêm nhiễm răng, viêm nướu, viêm phần xương xung quanh răng nhiều gấp 3-6 lần và nguy cơ bị rụng răng cao gấp 2 lần so với người thường. Nhiều người có thói quen hút thuốc lá khi căng thẳng, buồn chán hoặc đơn giản là giải trí, hút vui với bạn bè. Tuy nhiên, họ không lường trước được những tác hại nguy hiểm mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người.

Ngoài Nicotin, trong thuốc lá còn chứa 4.000 hóa chất độc hại khác. Ảnh: (nguồn Internet)

Ngoài Nicotin, trong thuốc lá còn chứa 4.000 hóa chất độc hại khác. Ảnh: (nguồn Internet)

Hút thuốc lá có thể gây thay đổi màu răng, môi, ngứa họng, ho, viêm thanh quản..., thậm chí gây ung thư vòm họng, ung thư phổi dẫn đến tử vong. Có rất nhiều hóa chất độc hại trong thuốc lá, chúng tạo thành một lớp màng ngăn chặn lưỡi, vòm họng, vùng bên trong má. Điều này khiến bạn mất vị giác, cản trở tuyến nước bọt làm việc, dẫn đến khô miệng. Đây là nguyên nhân vì sao chúng ta lại muốn uống nước sau khi hút thuốc. Khói thuốc lá xâm nhập xuống vòm họng, bao phủ ở đây một lớp cặn màu trắng với những đốm nhỏ màu đỏ nhô lên. Hút thuốc lá cũng giết chết các vi khuẩn có lợi trong miệng, khiến hơi thở hôi và nấm miệng. Người hút thuốc lá cũng thường bị bệnh nướu răng, úa màu nướu, dẫn đến sâu răng, thậm chí là ung thư miệng.

Bên cạnh đó, các hóa chất trong thuốc lá tác động vào các dây thanh âm, khiến giọng nói thay đổi như khản giọng. Nghiêm trọng hơn, hút thuốc nhiều có thể kích thích liên tục lớp niêm mạc họng, đồng thời các tế bào ở cổ họng bị tổn thương và xói mòn dẫn đến sự thay đổi ở các tế bào hình thành và tái tạo, dẫn đến ung thư vòm họng. Khi hút, khói thuốc chạm vào mặt sau của miệng, xuống đến cổ họng, chúng khiến các mạch máu co lại ngay lập tức. Điều đó cũng ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc lót cho cổ họng, cuối cùng làm giảm hiệu quả bảo vệ của niêm mạc, gây kích ứng và khô cổ họng. Một trong những triệu chứng phổ biến của người hút thuốc là họ cảm thấy một cảm giác ngứa ở khu vực này.

Với những người hút thuốc lâu năm và hút thường xuyên thì người bệnh khi ho sẽ có đờm và một vài triệu chứng khác đi kèm bao gồm khó thở, ho ra máu, thở khò khè, giảm cân và khàn tiếng có thể xuất hiện nếu hệ hô hấp bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của ung thư phổi hoặc những chứng bệnh nghiêm trọng khác, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy có bất cứ vấn đề nào như trên xảy ra.

Dưới đây là một số biện pháp giảm triệu chứng ho do hút thuốc lá mà chúng ta có thể tham khảo:

Uống nước: mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nước là một cách đơn giản và hiệu quả giúp tạm thời làm giảm cơn ho, làm sạch đờm và dễ thở hơn, uống đủ nước sẽ giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể và ngăn ngừa mất nước.

Súc miệng bằng nước muối: là một cách hữu ích để giảm ho. Nước muối có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng. Vì vậy, nhiều người dùng cách này khi bị ho, đặc biệt là với những người hút thuốc.

Ăn tỏi: tỏi là một chất kháng khuẩn và chống oxy hóa tự nhiên, có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, tỏi còn chứa các chất dinh dưỡng như phốt pho, vitamin C và sắt. Tinh chất tự nhiên của tỏi có thể giúp cơ thể chống lại vi-rút và tránh ho.

Trà xanh: Uống một ly trà nóng mỗi ngày là cách hiệu quả để kiểm soát cơn ho. Các hợp chất chống oxy hóa có trong trà xanh giúp cơ thể làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như đã đề cập bên trên.

Tinh dầu chiết xuất từ gừng và chanh: có giá trị dược phẩm tuyệt vời. Chúng có thể làm dịu và làm ấm đường hô hấp, do vậy có thể giảm bớt cảm giác khó chịu do ho dai dẳng gây ra.

Nghệ: là một phương thuốc phổ biến trong chữa bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, nghệ có thể làm tăng sức đề kháng của cơ thể do tính chống viêm và chống oxy hóa. Vì vậy, sẽ hỗ trợ phục hồi khi bị cúm và ho, kể cả ho do hút thuốc lá.

NGUYỄN HIỀN (Tổng hợp)

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/suc-khoe/khi-hut-thuoc-dieu-gi-xay-ra-voi-co-the-93379.aspx