Khi lịch sử 'đi vào' văn học
Nhiều người kêu ca rằng, văn học nước nhà quá hạn chế những tác phẩm viết về lịch sử. Lời ca thán ấy không hẳn đã đúng, nhưng chắc cũng không sai.
Nhiều nhà phê bình văn học, trong đó có cả nhà văn thừa nhận sự yếu kém của nền văn học hiện đại khi vắng bóng các tiểu thuyết đề cập đến các vấn đề lịch sử.
Trong khi đó, người ta có thể đưa ra các ví dụ phong phú về tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc, Nhật Bản… với các tiểu thuyết nổi tiếng như: Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng (Trung Quốc); Truyện kể Genji, Musashi – Giang hồ kiếm khách (Nhật Bản)… để so bì chê trách nền văn học nước mình.
Tuy nhiên có thể một số người quên rằng, văn học Việt Nam cũng từng có những cuốn tiểu thuyết chương hồi lịch sử nổi tiếng như “Hoàng Lê nhất thống chí” do Ngô gia văn phái soạn vào những năm đầu triều Nguyễn, sau khi vua Gia Long lên ngôi.
Vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, bộ truyện lịch sử chương hồi có tên “Nam Triều công nghiệp diễn chí” kể về chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá vùng đất Thuận - Quảng, cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Trước đó nữa là bộ truyện “Hoan Châu ký” (Thiên Nam liệt truyện) do tác giả là người họ Nguyễn Cảnh biên soạn vào khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê.
Nói thế để thấy, lịch sử đã “đi vào” văn học từ rất lâu rồi, và Việt Nam cũng không thiếu những tác phẩm văn học soi chiếu lịch sử. Cho nên, nếu nói văn học Việt Nam thiếu vắng tiểu thuyết lịch sử thì thật chưa phải.
Mới đây, Hội Nhà văn công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 với giải Nhất thuộc về tác phẩm “Từ Dụ Thái Hậu” của tác giả Trần Thùy Mai. Có thể nói tiểu thuyết thể hiện khá rõ sức lực của người viết trong công cuộc tìm hiểu lịch sử thời Nguyễn.
Tuy tác phẩm chưa có màu sắc chiêm nghiệm lịch sử, nhưng đã “tường thuật” về một thời kỳ bằng những ráp nối thú vị. Trong công bố giải lần này, cũng không ít tiểu thuyết lịch sử được tôn vinh như: Thị Lộ chính danh, Gió bụi đầy trời, Gió Thượng Phùng…
Ngay khi các giải thưởng được công bố, có nhà phê bình cho rằng 20 tác phẩm được trao giải cùng được tặng thưởng là quá nhiều, tưởng như một cuộc diễu hành văn chương. Đặc biệt, nhà phê bình nêu quan điểm về một số tiểu thuyết được giải thưởng nhưng vô tăm tích, không ai biết đến.
Tác giả của những tác phẩm vô tăm tích, không thu hút được người đọc cũng cần xem lại cách tiếp cận vấn đề, kỹ năng viết. Không thể đổ lỗi cho truyền thông không quan tâm, thị trường sách ế ẩm hay người đọc không bỏ tiền mua.
Có nhà phê bình lại cho rằng, giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 không xứng tầm. Các vấn đề lịch sử truyền tải vào tiểu thuyết chưa sâu, chưa có đánh giá luận bàn. Các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chưa phân tích chuỗi các sự kiện trong quá khứ để xác định các mô hình nhân - quả đã ảnh hưởng đến sự kiện.
Nhưng suy cho cùng, viết chuyện xưa cho người nay đọc không phải là dễ. Tiểu thuyết lịch sử vẫn là tiểu thuyết, mục đích chính của nhà văn không phải là tranh giành công việc của nhà sử học. Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử có sức mạnh khơi dậy sự hứng thú đặc biệt đối với những ai quan tâm đến lịch sử.
Dù sao, cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 cũng đã để lại những tự hào lẫn hi vọng. Tự hào vì nền văn học đang khởi sắc với cách tân về luận đề đối với đề tài lịch sử. Hi vọng trong tương lai không xa, lịch sử sẽ “đi vào” văn học theo cách sâu rộng, mới mẻ và xứng tầm hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/khi-lich-su-di-vao-van-hoc-t0GP9coMg.html