Khi nào cần đưa trẻ đi khám sau mắc COVID-19?

Thời gian qua, số trẻ em mắc COVID-19 ở nước ta tăng cao. Mặc dù triệu chứng của COVID-19 ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, số ca chuyển nặng và nhập viện ít, nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định trẻ sau khi mắc COVID-19 tồn tại kéo dài các triệu chứng như ho, đau đầu mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác… Tuy không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19 nhưng ba mẹ cần theo dõi sức khỏe của con để thăm khám, điều trị kịp thời.

 Bác sĩ khám và tư vấn cho trường hợp trẻ bị hậu COVID-19 -Ảnh: M.T

Bác sĩ khám và tư vấn cho trường hợp trẻ bị hậu COVID-19 -Ảnh: M.T

Con gái chị Phan Thị H. (TP. Đông Hà) mắc COVID - 19 từ đầu tháng 2/2022. Trong giai đoạn mắc, các triệu chứng bệnh của con chị rất nhẹ, cháu chỉ sốt đúng một buổi, thỉnh thoảng có ho. Tình trạng bệnh của con gái chị cũng nhanh chóng lành sau 7 ngày kể từ khi phát hiện mắc COVID-19 nên sau khi khỏi bệnh, chị không mấy quan tâm đến khái niệm hậu COVID-19.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng có kết quả âm tính, con gái chị vẫn ho dai dẳng. Trước đó, vì nghĩ rằng việc trẻ ho sau khi mắc COVID-19 là biểu hiện thường gặp nên chị tiếp tục cho cháu uống siro ho tuần đầu tiên sau khi hết bệnh rồi dừng hẳn. Đồng thời, chị cho con trở lại trường và tham gia một số hoạt động giải trí khác như học múa, học nhảy. Từ ho dai dẳng, con chị chuyển sang sổ mũi nước, sau đó mũi đặc khiến ban đêm cháu thường xuyên bị nghẹt mũi, khó ngủ. Vậy nhưng chị H. vẫn chủ quan, cho rằng đó chỉ là biểu hiện thông thường. Chỉ đến khi tình trạng trên kéo dài, chị mới đưa con đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi. Tại đây, bác sĩ kết luận con chị bị viêm họng, viêm mũi, phải dùng kháng sinh điều trị. Cũng theo bác sĩ, bệnh của con chị do ảnh hưởng bởi việc mắc COVID-19 trước đó, tuy nhẹ nhưng để kéo dài khiến cháu bị viêm nhiễm các bộ phận nói trên. Cùng với việc dùng thuốc kháng sinh, bác sĩ khuyên chị H. cần sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý, không được để trẻ nhiễm lạnh.

Không riêng chị H. mà nhiều phụ huynh khác rất chủ quan với tình trạng sức khỏe của con mình thời gian hậu COVID-19. Bởi lẽ, trên thực tế trẻ mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ, sau đó cũng không có các biểu hiện nặng nên ba mẹ không mấy để ý. Hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài ở trẻ em sau mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra. Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp là các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp.

Theo bác sĩ Trần Vĩnh Hoàng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tại Quảng Trị chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 (là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng) nhưng việc trẻ mắc các triệu chứng ho kéo dài, khó thở, đau đầu… thì khá phổ biến. Hầu hết các trẻ bị nhiễm COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng. Đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID-19, đáng chú ý đã có những bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2 - 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám sớm.

Ngoài ra, ba mẹ cũng cần theo dõi các triệu chứng của con sau mắc COVID-19 để có chế độ chăm sóc hợp lý. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Tr. ở Vĩnh Linh, tuy con trai chị không mắc các triệu chứng hậu COVID-19 nhưng chị lại đối mặt với một tình trạng khác, đó là việc con trai chị tăng cân quá nhanh sau thời gian bị bệnh. Quá trình bị bệnh, con chị sốt cao liên tục trong 3 ngày và thường xuyên nôn mửa nên không ăn uống được gì nhiều. Sau khi khỏi bệnh, chị Tr. tăng cường bồi bổ cho con. Nhưng dần về sau, khi chế độ ăn quay về bình thường, chị thấy con rất thích ăn và lượng ăn tăng gần gấp đôi so với trước kia. Cả nhà ai cũng mừng vì bình thường con chị xếp vào dạng kén ăn. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ nói chuyện với các bà mẹ có con từng bị nhiễm COVID-19, chị mới biết có một số đứa trẻ có biểu hiện giống con mình, đó là ăn rất nhiều. Việc cho trẻ bồi bổ, ăn uống sau thời gian mắc COVID-19 là tốt nhưng nếu không kiểm soát, trẻ rất dễ tăng cân, dẫn đến béo phì.

Một điều quan trọng khác, đó là với đối tượng trẻ từ 5-12 tuổi, ba mẹ nên cho con tiêm vắc xin COVID-19. Theo khuyến cáo của ngành y tế, hiện nay COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỉ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, do đó cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 là tiêm vắc xin phòng bệnh, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia học tập tại trường và các hoạt động xã hội khác. Hiện nay, việc lây nhiễm biến chủng Omicron nhiều hơn ở trẻ em chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là những người già, có bệnh nền.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166366&title=khi-nao-can-dua-tre-di-kham-sau-mac-covid19