Khi người dân dần bỏ thói quen sang đường liều lĩnh

70 cầu vượt, 39 hầm dành cho người đi bộ được Hà Nội xây dựng với mục tiêu giúp người đi bộ di chuyển an toàn hơn đang phát huy hiệu quả. Đến nay, nhiều người đã bỏ thói quen sang đường liều lĩnh.

Hầm, cầu vượt gần phủ khắp các tuyến đường

Theo ghi nhận của PV, trên trục đường Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng hiện đã bố trí nhiều hầm đi bộ cho người dân với thiết kế rộng, có bậc thang lên xuống và hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn.

Hầm bộ hành Ngã Tư Sở có lượng khách qua lại hàng ngày khá đông do khu vực này tập trung đông dân cư, mật độ phương tiện cao. Ảnh: Tạ Hải.

Hầm được đơn vị quản lý tuần tra 24/24h, riêng ca đêm bố trí 3 người thay phiên nhau giám sát từ 22h - 6h sáng. Vệ sinh dưới hầm được đảm bảo và luôn có nhân viên chỉ dẫn người dân khi cần thiết, nhất là đối với người khuyết tật.

"Nhiều người ngày xưa sợ đi dưới hầm nhưng giờ lại thích vì sạch sẽ, thoáng mát và lại rất an toàn. Cũng bởi vậy mà mỗi ca trực của chúng tôi cũng vất vả hơn", chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên trông giữ hầm đi bộ trên đường Phạm Hùng (điểm đối diện bến xe Mỹ Đình) chia sẻ.

Tương tự, hầm bộ hành Ngã Tư Sở có lượng khách qua lại hàng ngày khá đông do khu vực này tập trung đông dân cư, mật độ phương tiện cao. Giống như nhiều hầm bộ hành khác, hầm được trang bị hệ thống thông khí, chiếu sáng cùng nhân viên túc trực.

Trong hầm còn xây dựng đường dành riêng cho xe đạp, có biển báo chỉ dẫn rõ ràng. Không chỉ khách bộ hành, người dân các khu phố lân cận cũng thường xuyên xuống đây tập thể dục.

Trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, vào giờ cao điểm cuối buổi sáng - chiều, người dân qua lại trên cây cầu bộ hành trên đường Giải Phóng và đường Lê Thanh Nghị khá đông. Cầu có chiều dài 92m, chiều rộng 2,5m, được đặt ở vị trí phù hợp với nhu cầu sang đường của rất đông người dân, bệnh nhân và người nhà đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tương tự, ở đầu phố Tố Hữu, nhiều người đã lựa chọn sử dụng cầu vượt bộ hành, thay vì băng qua đường như trước.

Chị Nguyễn Thị Vui (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, việc đi bộ trên cầu đảm bảo an toàn cho bản thân, trên cầu còn có mái che, thuận tiện cả khi nắng, mưa. "Thay vì chọn chen vào dòng phương tiện đông đúc qua lại, việc di chuyển bằng cầu bộ hành sẽ rất an toàn", chị Vui nói.

Dành phần đường thỏa đáng cho người đi bộ

Từ khi có cầu vượt, người dân di chuyển sang bệnh viện Bạch Mai dễ dàng và không sợ nguy hiểm như băng qua đường trước đó.

Theo đánh giá của Ban ATGT TP Hà Nội, cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ đang đóng vai trò quan trọng giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Tính đến nay, các công trình này đã có mặt ở hầu hết các tuyến đường nội đô. Việc duy tu, duy trì được đảm bảo thường xuyên.

Ông Tạ Đức Giang, Phó chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã tuyên truyền đến người dân về tính an toàn, tiện dụng của cầu vượt, hầm bộ hành. Đồng thời đề xuất lực lượng chức năng tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm người đi bộ không đúng nơi quy định.

Theo quy định hiện nay, người đi bộ sẽ bị phạt tiền từ 60.000 -100.000 đồng nếu đi qua đường không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn... Còn nếu băng qua đường dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội cần tăng cường công tác tổ chức giao thông, tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Cần tính toán hợp lý, khảo sát kỹ lưỡng thói quen, nhu cầu sử dụng của người dân để xây thêm cầu vượt, hầm ngầm, dành phần đường thỏa đáng cho người đi bộ.

Cùng với đó, tuyên truyền thường xuyên để người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có ý thức chủ động nhường đường cho người đi bộ.

"Nếu hầm được lắp đặt camera và có thông báo ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn. Ngoài ra, nếu bổ sung thêm các tiện ích khác như bảng biển LED quảng cáo, máy bán nước tự động, hệ thống thông tin liên lạc, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là thiết kế đẹp, là nơi đáng để check-in, chắc chắn sẽ có sức hút lớn hơn nữa", TS Đức góp ý.

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, phát huy hiệu quả của các công trình này, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông... Sở cũng đề nghị cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-nguoi-dan-dan-bo-thoi-quen-sang-duong-lieu-linh-192230929083319928.htm