Khi người nổi tiếng, 'hot girl' livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội thổi bay giá trị, nhân cách

Khi lôi kéo được fan hùng hậu, nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ, 'hot girl', Tiktoker…livestream bán hàng trên mạng xã hội, nhưng cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang.

Thời đại công nghệ số 4.0 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và ở Việt Nam cũng đang trở thành xu thế tất yếu. Nó đã và đang tác động to lớn vào mọi mặt đời sống của chúng ta. Trước sức hút mãnh liệt của kỷ nguyên số, xã hội số, các doanh nghiệp cũng phải thích ứng, chuyển mình từ hoạt động truyền thống sang doanh nghiệp số bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, kinh doanh, vận hành.

Số hàng hóa tại kho hàng giá trị hơn 20 tỷ đồng của Nguyễn Hoàng Mai Ly. Ảnh: QLTT cung cấp

Số hàng hóa tại kho hàng giá trị hơn 20 tỷ đồng của Nguyễn Hoàng Mai Ly. Ảnh: QLTT cung cấp

Chính điều này đã góp phần thúc đẩy mau lẹ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp từ tài chính, ngân hàng, vận tải, hàng không, du lịch, sản xuất công nghiệp, sản xuất tiêu dùng… đã đưa ngành thương mại điện tử trở nên hot hơn bao giờ hết.

Nắm bắt được xu hướng này, hình thức mua bán trực tiếp truyền thống đang chuyển dịch sang bán hàng online, sử dụng các nền tảng trực tuyến làm trung gian lưu thông hàng hóa ngày càng phổ biến hơn. Người tiêu dùng chỉ cần thiết bị điện thoại thông minh là có thể thảo sức mua sắm trên nhiều sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội. Mua hàng online, giao hàng tại nhà không còn bó hẹp ở phố thị mà đã đặt chân tới vùng nông thôn, người vùng sâu, vùng xa, miền núi… cũng được tiếp cận với dịch vụ được coi là rất tiện ích này.

Nằm trong “nhịp đập” của ngành thương mại điện tử ấy, những người nổi tiếng, nghệ sĩ, “Hot girl” đình đám, TikToker, Streamer, Facebooker, Youtuber… trở thành một thế lực “ảo” trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Khi lôi kéo được “người hâm mộ” và có sự ảnh hưởng nhất định, việc livestream bán hàng, chốt đơn thật nhiều thì quá tốt ấy chứ…

Thế nhưng, lợi dụng mình là “người của công chúng”, “người có sự ảnh hưởng”, “người nổi tiếng trên cõi mạng”… để có những hành vi vi phạm pháp luật, gian dối, bán hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng mạng xã hội là điều cần được xã hội kịch liệt lên án, phản đối, tẩy chay. Thậm chí, họ phải coi đó là sự nhục nhã cho vị trí của mình trong lòng công chúng lắm chứ? Nó chính là tấm gương phản chiếu sáng rõ nhất để những nhân vật nổi tiếng tương tự đừng đi vào vết nhơ nhớp ấy nữa có phải không “cộng đồng mạng”?

Chắc hẳn trong giới bán hàng online vẫn còn chưa quên thông tin Hot girl Thảo Boutique (tên thật là Nguyễn Thị Thảo, SN 1994, ở phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cùng mẹ chồng bị bắt cách đây khoảng hơn một năm về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sau khi livestream bán hàng giả trên mạng xã hội, khiến chúng ta không khỏi giật mình, đau xót.

Hot girl Thảo Boutique (tức Nguyễn Thị Thảo) và mẹ chồng bị bắt về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: Công an cung cấp

Hot girl Thảo Boutique (tức Nguyễn Thị Thảo) và mẹ chồng bị bắt về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: Công an cung cấp

Một trường hợp khác, phát hiện kho hàng lậu của hot girl livestream bán hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store doanh thu gần 300 triệu/ngày. Thế nhưng, phần lớn hàng hóa trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại cơ sở kinh doanh này có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ.

Nguyễn Mai Store chủ yếu livestream bán hàng trên Facebook. Ảnh: Nguyễn Mai.

Nguyễn Mai Store chủ yếu livestream bán hàng trên Facebook. Ảnh: Nguyễn Mai.

Mới đây, như trường hợp của hot girl livestream bán hàng nổi tiếng trên TikTok là Chu Thanh Huyền (sinh năm 2000, vợ của tuyển thủ quốc gia Việt Nam Nguyễn Quang Hải) bị nhiều ý kiến phản hồi, “tố” các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp, sản phẩm có lợi cho sức khỏe, trên nhiều nền tảng thương mại điện tử vướng nhiều về nguồn gốc, chất lượng và công dụng sản phẩm. Hoặc nữ đầu 10X này còn bị cho rằng, đạo nhái hình ảnh của nhãn hàng khác ít nhiều làm cho những người ủng hộ thiếu thiện cảm, tin tưởng, yêu mến.

Để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm “xịn” theo giá trị thực của hàng hóa ấy, mong rằng những người nổi tiếng, nghệ sĩ, “hot girl” livestream bán hàng, TikToker, Facebooker, Youtuber… đừng khoác lên hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái vào trong những thương hiệu nổi tiếng để kiếm về cho mình những đồng tiền dơ bẩn. Mọi môi trường kinh doanh đều cần sự lành mạnh, minh bạch, giữ nguyên giá trị thực của sản phẩm, hàng hóa. Nếu là người nổi tiếng, người có sự ảnh hưởng, những TikToker, Facebooker… “xịn” thì đừng làm suy giảm niềm tin người tiêu dùng đối với hàng hóa lưu thông trên các nền tảng mạng xã hội.

Chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng dễ dàng tiếp tay cho những kẻ được gắn mác “người của công chúng” để ta thành người bị lợi dụng, dắt mũi, tiền mất, tật mang. Xin nhắc lại rằng, cổ xưa có câu “tiền nào của nấy” đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

Hạ Vy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-nguoi-noi-tieng-hot-girl-livestream-ban-hang-tren-cac-nen-tang-mang-xa-hoi-thoi-bay-gia-tri-nhan-cach-327787.html